Với truyền thống “tương thân tương ái”, 100 căn nhà đại đoàn kết do thành phố Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng được trao tặng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng căn cứ cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng thời kháng chiến. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với những gia đình trong vùng căn cứ cách mạng.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lê Văn Trung (thứ 2, bên trái sang) trao bảng tượng trưng bàn giao nhà đại đoàn kết đến gia đình ông Pơloong Đít (xã Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Những ngày này, không khí trong gia đình ông A Râl Xu (45 tuổi, tổ dân phố Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) luôn rộn ràng bởi những lời chúc mừng của những người hàng xóm qua thăm, chia vui khi ông nhận căn nhà mới. Gia đình ông Xu thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm qua phải sống trong căn nhà tạm bợ. “Gia đình trồng lúa rẫy, nuôi vài con gia súc, gia cầm nên chỉ đủ trang trải hằng ngày chứ không dám nghĩ tới việc xây căn nhà mới. Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng và bà con địa phương, gia đình tôi có căn nhà mới khang trang. Từ nay, chúng tôi không còn phải lo lắng mỗi khi mưa bão nữa”, ông Xu xúc động nói.
Ông Alăng Câu (46 tuổi, tổ dân phố Gừng) cũng không giấu được xúc động khi nhận căn nhà mới thơm mùi sơn. Hộ ông thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng ông cùng 3 người con nhỏ sống trong căn nhà cũ đã xuống cấp nhiều năm qua. Được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 60 triệu đồng, gia đình vay ngân hàng 50 triệu đồng và sự đóng góp 125 ngày công của bà con trong tổ dân phố, căn nhà kiên cố rộng hơn 60m2 bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng).
“Tôi rất vui mừng và cảm động khi được nhận căn nhà mới. Đây là món quà thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với gia đình tôi. Tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ gia đình chúng tôi”, ông Câu chia sẻ.
Cùng chung niềm vui mừng này, hộ ông Pơloong Đít (thôn Achiing, xã Atiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) không khỏi xúc động khi đón nhận căn nhà mới. Hộ ông thuộc diện nghèo, nhiều năm qua sống trong căn nhà xuống cấp. Vì vậy, ông rất vui và hạnh phúc khi có căn nhà kiên cố vừa được hỗ trợ xây mới.
Đây là 3 trong tổng số 100 căn nhà đại đoàn kết do thành phố Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng căn cứ cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng thời kháng chiến. Trong đó, huyện Đông Giang được hỗ trợ 44 căn, huyện Tây Giang được hỗ trợ 45 căn và huyện Duy Xuyên 11 căn. Mỗi căn nhà có diện tích 50-70m2, gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh, được xây dựng theo tiêu chuẩn 3 cứng, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân. Tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà là 6 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách của thành phố Đà Nẵng và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ: “Chương trình hỗ trợ xây dựng 100 nhà đại đoàn kết của thành phố Đà Nẵng không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp nâng cao đời sống cho người dân vùng căn cứ cách mạng vươn lên trong cuộc sống. Chương trình khẳng định nghĩa tình sâu nặng, tinh thần tương thân tương ái của hai địa phương, tạo tính lan tỏa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân tỉnh Quảng Nam”.
Để triển khai chương trình hiệu quả, chính quyền, mặt trận các cấp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thành lập ban chỉ đạo chung, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương. Hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ trong việc khảo sát, lựa chọn đối tượng, thiết kế mẫu nhà phù hợp, tổ chức thi công, giám sát thi công và khánh thành, bàn giao nhà đúng tiến độ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết, ngoài nguồn ngân sách của địa phương, chương trình còn nhận được sự ủng hộ, đóng góp tích cực từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay vì cộng đồng của toàn xã hội.
“Mỗi căn nhà đại đoàn kết không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là món quà ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với những gia đình trong các vùng căn cứ đã hy sinh, cống hiến cho cách mạng. Chúng tôi mong muốn những căn nhà này sẽ giúp các gia đình chính sách có một nơi ở khang trang, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Trung chia sẻ.
Với sự quan tâm, sự phối hợp chặt chẽ của hai địa phương và sự ủng hộ của cộng đồng, Chương trình xây dựng 100 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng căn cứ cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền và cộng đồng đối với những gia đình có công với cách mạng, đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
ĐẮC MẠNH