Ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng: Muốn phát triển khởi nghiệp, cần đầu tư trọng tâm
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng được nền tảng của một hệ sinh thái khởi nghiệp và cũng đã có được một số tiếng vang nhất định ở trong nước và khu vực. Tuy vậy, để có thể xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cả nước và Đông Nam Á vào năm 2030, đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045 như mục tiêu mà Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra, Đà Nẵng vẫn cần tìm ra lợi thế của mình và khai thác triệt để. Thay vì phát triển khởi nghiệp một cách dàn trải, thành phố nên chọn 1-2 lĩnh vực để đi sâu.
Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khu kinh tế này vốn có tiềm năng phát triển trong các lĩnh vực du lịch, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp và logistics. Xung quanh Đà Nẵng là các trung tâm công nghiệp như Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi); du lịch như Huế, Hội An (Quảng Nam) và nông nghiệp…
Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có một thị trường rất lớn cần cung cấp công nghệ, con người và vốn. Đây là những điều mà Đà Nẵng có thể giải quyết được. Vì vậy, theo tôi ưu tiên hàng đầu cho khởi nghiệp của Đà Nẵng là phát triển các dự án startup công nghệ, cụ thể là cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp (quản trị, bán hàng, marketing...). Thị trường rộng lớn xung quanh có thể trở thành thị trường thử nghiệm của các startup này trước khi tiến ra toàn quốc và thế giới. (KHANG NINH)
Th.S. Chế Viết Trung Thu, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 3: Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khá cao trong nền kinh tế của thành phố. Trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng lấy doanh nghiệp, kinh tế tư nhân (KTTN) làm động lực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, việc phát triển KTTN đang gặp khó khăn nên KTTN ở thành phố Đà Nẵng chưa phát huy hết được những tiềm năng, thế mạnh của mình.
Bởi vậy, việc nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với thành phần KTTN ở thành phố Đà Nẵng là một trong những chiến lược phát triển nhằm thực hiện thành công chủ trương của thành phố là “lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển, động lực cho tăng trưởng”. Đồng thời, để phát huy vai trò tích cực của KTTN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố trong thời gian đến, thành phố cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với thành phần kinh tế này. (HOÀNG HIỆP)
Th.s Trần Văn Lịch, giảng viên Trường Chính trị thành phố: Thúc đẩy các dự án động lực trọng điểm
Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, chính quyền và nhân dân đã chung tay góp phần thúc đẩy sự phát triển thành phố về mọi mặt; môi trường chính trị ổn định, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Thành phố Đà Nẵng đã tạo ra nhiều dấu ấn về kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng...
Thời gian đến, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính về đất đai trên cơ sở hiện đại hóa nền hành chính; hoàn thiện hồ sơ địa chính số và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tập trung. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất. Các đơn vị đẩy nhanh công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. (PHƯƠNG UYÊN)