GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

.

LTS: Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ hôm nay (28-10), Báo Đà Nẵng bắt đầu đăng ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện đại hội. Trân trọng giới thiệu ý kiến góp ý của các tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy, các đồng chí lão thành cách mạng, hưu trí cao cấp, các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức và đại biểu dự Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

1. Đối với dự thảo Báo cáo chính trị

Về cơ bản, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với chủ đề, phương châm đại hội và các nhận định, đánh giá của Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội đến. Ngoài ra, có một số ý kiến bổ sung, góp ý như sau:

1.1. Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII

Về thành tựu

Một số ý kiến đề nghị Trung ương cần nhấn mạnh và làm nổi bật hơn những điểm đáng tự hào của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, như: Những đóng góp với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về nhân quyền; việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế; Việt Nam được bầu vào ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 nước); xử trí phù hợp các tình huống trên Biển Đông... Đồng thời, cần xác định rõ vị trí, tiềm lực kinh tế của đất nước ta hiện nay, làm cơ sở để lựa chọn phương án, mục tiêu phát triển trong thời gian đến đảm bảo sát với thực tiễn, khả thi, hạn chế tối đa những lựa chọn, kỳ vọng theo cảm tính, chủ quan, không có cơ sở.

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm một số thành tựu, đó là: Hệ thống cơ sở hạ tầng có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được nâng cao rõ rệt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Ngoài ra, có nhiều ý kiến đề nghị Trung ương cân nhắc đối với nhận định “kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước” và nhận định “nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”. Theo đó, các ý kiến cho rằng, giai đoạn 2015-2020, diễn biến tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay, đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là tình trạng khô hạn kéo dài tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đã tác động rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế đất nước.

Về hạn chế, khuyết điểm

Trên lĩnh vực kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số hạn chế, đó là: Nhiệm kỳ qua, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được. Tình trạng mất cân đối về cơ cấu kinh tế (vùng, miền, ngành, vốn) còn cao. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, dự báo tình hình ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, có ý kiến nhận định rằng: Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn thấp; chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Hệ thống pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, gây thất thoát, lãng phí, tạo kẻ hở cho tiêu cực, tham nhũng, dẫn đến các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây bức xúc, “điểm nóng” trong nhân dân.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số nhận định: Công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ qua chuyển biến tốt hơn so với hai nhiệm kỳ trước nhưng chưa toàn diện; sức chiến đấu ở một số tổ chức Đảng còn yếu. Công tác định hướng chính trị, tư tưởng có lúc chưa nhạy bén và kịp thời, nhất là trước các vấn đề lớn, bất ngờ.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự chặt chẽ; các vụ việc tiêu cực chậm được phát hiện từ cơ sở. Công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ và bền vững.

                  (Còn nữa)

;
;
.
.
.
.
.