Niềm tin và kỳ vọng

.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) -  Chi nhánh Đà Nẵng:

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trong thời gian qua, thành phố có nhiều nỗ lực trong đầu tư, xây dựng hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp, trong đó, việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao là điểm sáng. Tuy nhiên, việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu dịch chuyển địa điểm từ nội thành, khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm nên doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận mặt bằng để ổn định, mở rộng sản xuất.

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, các khu cụm công nghiệp khác thì ngoài việc đẩy nhanh hoàn thiện nâng cao chất lượng “hạ tầng cứng” thì cần chú trọng nâng cao chất lượng “hạ tầng mềm” là rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, tiếp cận mặt bằng và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải trong quá trình triển khai dự án, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp…

Thành phố cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp hỗ trợ. Cần chú trọng đánh giá năng lực thực tế, chọn lọc doanh nghiệp có năng lực để hỗ trợ và hỗ trợ thích đáng để các doanh nghiệp này sớm đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ này. Bên cạnh đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở trong và ngoài nước, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng có đủ năng lực, khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng này.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố:

Ứng xử phù hợp để hội nhập

Giai đoạn 2015 - 2020, nhân dân thành phố đã đồng lòng, đồng sức xây dựng thành phố quê hương ngày một tươi đẹp, hấp dẫn đối với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh toàn cảnh thành phố nhiều màu sáng, vẫn còn nhiều thách thức để xây dựng thành công một thành phố giàu đẹp, một đô thị sinh thái, hiện đại, một thành phố đáng sống. Vấn đề nhập cư, dân số gia tăng, lối sống vùng miền, tập quán khác biệt... sẽ tiếp tục là bài toán đặt ra cho lãnh đạo và các sở, ban, ngành trong nhiệm kỳ mới. Đây là vấn đề của mọi đô thị trên con đường phát triển, Đà Nẵng cần thấy rõ vấn đề này để chủ động hội nhập và có phương thức ứng xử phù hợp.

Trong rất nhiều nỗ lực, vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử được các ban, ngành liên quan chú trọng. Trong đó phải kể đến một nỗ lực rất ý nghĩa là Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp các Sở Văn hóa - Thể thao, Du lịch, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Giao thông vận tải, Công thương và Công an thành phố thực hiện “Sổ tay tuyên truyền thực hiện văn hóa, văn minh đô thị” (đã tái bản 2 lần). Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã triển khai nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp thành phố Lối sống Đà Nẵng. Đây cũng là một hướng để Đà Nẵng vừa giữ bản sắc, vừa hội nhập, vừa tiếp thu, vừa phát triển, vừa lớn mạnh kinh tế, vừa có đời sống tinh thần phong phú. Hy vọng rằng, trong nhiệm kỳ 2020-2025, câu chuyện văn hóa ứng xử tiếp tục được quan tâm đúng mức góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, văn minh trong lòng du khách.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố:

Đầu tư toàn diện cho giáo dục

Tôi thống nhất cao với dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XXII Đảng bộ thành phố khi xác định đầu tư toàn diện cho giáo dục - đào tạo là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của nhiệm kỳ đến. Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, chủ trương mở cửa, chính sách thông thoáng của thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia hoạt động giáo dục tại địa phương, từ đó cung cấp các dịch vụ giáo dục chất lượng cao, phục vụ sự lựa chọn đa dạng của cha mẹ học sinh. Hơn nữa, việc thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và mọi mặt đời sống xã hội sẽ tạo điều kiện cho việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho người dân thành phố. Trong nhiệm kỳ đến, ngành giáo dục - đào tạo thành phố tiếp tục tập trung cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề, hướng đến mục tiêu đào tạo ra những cá nhân có phẩm chất và năng lực toàn diện. Học sinh thành phố vừa từng bước đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu vừa kế thừa và phát huy được những chuẩn mực về văn hóa, văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng.

KHÁNH HÒA - XUÂN DŨNG - NGỌC PHÚ ghi

;
;
.
.
.
.
.