Thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng là nhu cầu phát triển thành phố

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước”. Mục tiêu này đặt ra yêu cầu cần thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng và đã được đưa vào Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa tổ chức thành công.

Theo đó, thành phố sẽ kiến nghị Trung ương thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở sắp xếp lại và đầu tư nâng cấp Đại học Đà Nẵng, các trường đại học trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận; đồng thời phối hợp tiến hành xây dựng dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, khi xác lập chủ trương này.

Báo cáo chính trị trình Đại hội đã thẳng thắn nhìn nhận hạn chế: “Đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của thành phố”. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục phối hợp với các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kiểm định quốc tế, phát triển các chương trình đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Đây là một trong những quyết sách nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Nói về vai trò của Đại học Đà Nẵng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này cũng như chuẩn bị cho việc thành lập Đại học quốc gia tại Đà Nẵng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, nhiệm vụ cụ thể được Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng định hình lại chiến lược và ngành nghề đào tạo của mình, theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW, ưu tiên các nhóm ngành sau:

(1) Công nghệ số và tự động hóa: bao hàm các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông, tự động hóa, điều khiển, truyền dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật kết nối... Ngoài ra, nhóm ngành này cũng bao gồm cơ khí chính xác, sản xuất và lưu trữ năng lượng, công nghệ chế tạo sản phẩm thông minh, thiết bị vận chuyển thông minh... Đây là nhóm ngành có tương lai phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh.

(2) Nhóm ngành dịch vụ chất lượng cao và logistics, bao gồm tài chính, ngân hàng, vận tải đa phương tiện; các loại hình vận chuyển, giao hàng bằng công nghệ mới; thương mại điện tử; dịch vụ du lịch, khách sạn chất lượng cao; dịch vụ tư vấn thiết kế, dịch vụ thiết kế sản phẩm công nghiệp; dịch vụ chuyển đổi số, thiết kế và giải pháp mạng, hệ thống thông minh; dịch vụ phục vụ làm việc kết nối... phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; đồng thời phục vụ cho định hướng phát triển lĩnh vực dịch vụ của thành phố.

Đại học Đà Nẵng đề xuất các giải pháp: Một là, quy hoạch, điều chỉnh định hướng chiến lược đào tạo của các trường đại học bám sát nhu cầu nhân lực của các ngành mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW; hoàn thiện cấu trúc và chiến lược phát triển các trường đại học theo 2 hướng: (1) Đại học nghiên cứu - đổi mới sáng tạo và (2) Đại học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Về phần mình, Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên và sẽ tiên phong mở các ngành đào tạo chất lượng cao, thuộc 5 lĩnh vực mũi nhọn như Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu rõ: “Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số và sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp công nghệ cao”; xúc tiến đề án thành lập Trường Đại học quốc tế (trên cơ sở Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh); thành lập Trường Đại học Y Dược, Bệnh viện thực hành (trên cơ sở Khoa Y Dược và Trung tâm Y khoa - Đại học Đà Nẵng) để đào tạo, bảo đảm nhu cầu nhân lực cho ngành y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe...

Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học; kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế; Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục “lấy chất lượng là yếu tố sống còn”, “bảo đảm chất lượng và kiểm định quốc tế là giải pháp đột phá”, phát huy kinh nghiệm vừa qua đã có 20 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (CTI của Pháp và AUN-QA của khu vực Đông Nam Á).

Ba là, xây dựng chiến lược đào đạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố một cách có hệ thống, bao gồm việc phối hợp chuẩn bị một cách chặt chẽ giữa các cấp đào tạo từ phổ thông đến đại học. Ở cấp phổ thông cần nhanh chóng đưa giáo dục theo hướng tiếp cận STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Ở bậc đại học cần có sự phối hợp lực lượng trên địa bàn, không phân biệt công, tư; sử dụng đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo những cách tiếp cận mới.

SƠN TRUNG

;
;
.
.
.
.
.