Du lịch Đà Nẵng

Khám phá 4 hiện vật Đà Nẵng đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

08:28, 23/09/2014 (GMT+7)

Trung tâm quản lý di sản thành phố Đà Nẵng quyết định chọn 4 hiện vật có giá trị tiêu biểu, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Quả tim lửa, hiện được lưu giữ tại chùa Tam Thai, thuộc di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; Bia “Phổ Đà sơn linh trung Phật” tại động Hoa Nghiêm, thuộc di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; Bia “Nghĩa trủng Phước Ninh” tại di tích Nghĩa trủng Phước Ninh, thuộc quận Hải Châu; Bia “Chùa Long Thủ” tại chùa An Long thuộc quận Hải Châu.

"Quả tim lửa"

"Quả tim lửa"

Chùa Tam Thai ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện lưu giữ một phiến đồng hình chiếc lá đề, chiều rộng nhất 45cm, chiều hẹp nhất 35cm, chung quanh có hình tượng tia lửa đang cháy nên được gọi là “quả tim lửa”.

Khách leo hết 156 bậc cấp bằng đá lên ngọn Thủy Sơn, vào chùa Tam Thai lễ Phật, đừng quên xin phép Thượng tọa Thích Huệ Mãn, thầy trụ trì chùa, vào Nhà Tổ phía sau chánh điện để viếng hương chư vị trụ trì đã viên tịch và tận mắt xem qua “quả tim lửa” nay đã lên đến tuổi 186.

Giữa trầm nhang thanh thoát, khách sẽ nghe các nhà sư kể chuyện xưa tích cũ. Rằng một lần khi chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) thất trận chạy ra biển gặp một hòn đảo, nguyện được nước ngọt thì sẽ tạ ơn Trời Phật. Nước ngọt tuôn ra, thoát chết, mọi người tìm vào đất liền thì gặp giữa cảnh núi non u tịch một thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Về sau, khi phục quốc xong, vua Gia Long mải lo việc triều chính nên di ngôn cho vua Minh Mạng lo hoàn thành đại nguyện.

Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua cho xây dựng lại chùa Tam Thai, sức cho quan dân đưa vật liệu lên xây chùa, biến cảnh hoang vu thành nơi phát triển đạo Phật. Chuyện này, dân gian còn nhắc: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa.

Khi hoàn nguyện, khánh thành chùa, vua Minh Mạng ban một tấm biển ghi (phiên âm theo nguyên văn Hán tự): “Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo”. Tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu.

Kèm theo đó là “quả tim lửa” bằng đồng. Mặt trước ghi: “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”. Tạm dịch: “Đức Như Lai của ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo”. Tạm dịch: Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu.

Bia Phổ đà sơn linh trung Phật

Bên trái của Tượng Phật, trên vách động là tấm bia cổ Linh Trung Phật quý hiếm do nhà sự Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640; bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử, trong đó có rất nhiều gia đình người Nhật Bản đến làm ăn từ phố cổ Hội An đã đến cúng công đức xây dựng chùa.
Bên trái của tượng Phật, trên vách động Hoa Nghiêm là tấm Bia Phổ đà sơn linh trung Phật quý hiếm do nhà sự Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640.

Đây là một tấm bia cổ nằm ở động Hoa Nghiêm, tấm bia cổ quý hiếm này được nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640, bia ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của các phật tử. 

Văn bia ghi tên 16 người Nhật, trong đó có 5 gia đình Nhật - Việt ở Hội An và các thương nhân Nhật sinh sống tại Hội An đã từng có công đóng góp xây dựng các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn.

Bia “Nghĩa trủng Phước Ninh”

Nghĩa trủng Phước Ninh nay chỉ còn một nhà bia tưởng niệm. Ảnh: V.T.L
Bia Nghĩa trủng Phước Ninh. Ảnh: V.T.L

Bia được lập năm Tự Đức thứ 29 (1876) khi Án sát Quảng Nam Nguyễn Quý Linh và Lãnh binh Trương Tải Phú chọn đất làng Phước Ninh (nay là phường Phước Ninh, quận Hải Châu) làm nơi quy tập hài cốt của những nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hy sinh trong buổi đầu kháng Pháp những năm 1858-1860. Quản cơ Nguyễn Lân cùng Hiệp quản Nguyễn Đồ đã chỉ huy quân lính tìm được hơn 1.500 ngôi mộ, bốc hài cốt vào những quách bằng sành, đưa về mai táng tại Nghĩa trủng Phước Ninh.

Hiện ở đây chỉ còn lưu lại một tấm bia bằng đá màu xanh đen, cao 1,2m, rộng 0,8m, chữ khắc một mặt, bao quanh bằng lớp vôi hồ. Do phong hóa, một số chữ bị hỏng mờ, nhưng nhờ nội dung bia mà chúng ta biết được nhiều điều như số lượng hài cốt được quy tập, danh tánh những người đứng ra điều hành công việc có ý nghĩa lớn mang tinh thần “uống nước nhớ nguồn” này, lý do chọn nơi đặt nghĩa trủng, tên họ tác giả của văn bia...

Bia “Chùa Long Thủ”

Bản dập văn bia ký hiệu 19257 đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm.
Bản dập văn bia ký hiệu 19257 đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm.

Tấm bia được làm bằng sa thạch màu xám, kích thước 1,25m x 1,20m x 0,21m hình thang cân đỉnh tròn. Bia được điêu khắc cả hai mặt. Ở mặt trước có một bài khắc chữ Hán được đóng khung bằng các dải hoa văn trang trí.

Trên trán bia, ở giữa chạm hình mặt trời có mây vờn quanh, hai bên trang trí hoa văn hình hoa dây buông thõng xuống, bên dưới là một dải hoa sen, ở hai đầu mút phía dưới có hình hai con nghê. Bài khắc gồm có 368 chữ Hán, 6 chữ lớn khắc theo đường ngang ở trên, đóng khung riêng từng chữ: “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”.

Ở hai đầu có hai chữ Vạn nhỏ hơn, còn 360 chữ nhỏ ở giữa lòng bia được khắc lõm theo 18 hàng dọc từ phải sang trái. Ở mặt sau tấm bia cũng trang trí hoa văn thành một khung bao quanh bia như mặt trước nhưng không có chữ và ở bên dưới thay dải hoa sen bằng một dải cúc dây, ở hai đầu mút không có hai con nghê.

Văn bia chép rằng thời xưa nơi đây là đất thiêng, người tin đến cầu vọng linh ứng, thấy hình đầu rồng (long thủ). Vì vậy Cai Hợp Tướng Thần Lại của làng tên là Trần Hữu Lễ thành tâm tặng khu vườn của ông bà để lại để làm nhà cho các tăng. Cả làng lập ngôi chùa mới. Hội chùa và thiện nam tín nữ lo việc bài trí tượng thờ, đúc chuông và xây gác treo chuông, trống. Tiếp theo là liệt kê danh sách những người đã cúng tiền và ruộng cho chùa, đứng đầu là viên chức Trấn Thủ có tên là Trần Văn Huyền và vợ là Nguyễn Thị Vạn. Ngày cúng là ngày Canh Thìn, năm Giáp Tuất (1634). Ngày dựng bia là ngày mồng một tháng Tư niên hiệu Thịnh Đức thứ năm (tức là ngày 13 tháng 5 năm 1657).

Đây là tấm bia có niên đại sớm nhất được tìm thấy do cộng đồng cư dân người Việt dựng ở Đà Nẵng và Thủ Long Tự cũng là ngôi chùa được lập sớm so với  những ngôi chùa và hội quán đầu tiên của người Hoa và người Việt tại Hội An như Chùa Ông (1653), Chùa Chúc Thánh (1684). Điều này cho thấy sự quần tụ cư dân khá ổn định tại các làng Nại Hiên, Hải Châu với những quan chức của hai làng và Trấn Thủ của Đà Nẵng được nhắc đến trong văn bia.

Trước đây, bia chùa Long Thủ đã được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng là di tích lịch sử. Ngày 02-12-1992, Bộ Văn hóa -Thông tin đã ra quyết định công nhận bia chùa Long Thủ là di tích lịch sử cấp quốc gia.

ĐNĐT (tổng hợp)

.