Khách nội địa vẫn là thị trường khách trọng điểm của du lịch Đà Nẵng và luôn đạt mức tăng trưởng cao. Do đó, bên cạnh việc mở rộng thị trường khách quốc tế thì cũng cần có kế hoạch dài hơi để giữ chân thị trường khách nội địa đến với thành phố trong những năm tới.
Thường xuyên làm mới các sản phẩm du lịch, phù hợp với từng thị trường khách sẽ góp phần thu hút khách. Trong ảnh: Du khách trong nước mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. |
Sự phát triển của du lịch Đà Nẵng thể hiện rõ nhất qua những chỉ số về lượng khách và doanh thu trong những năm vừa qua. Cụ thể, từ năm 2012, Đà Nẵng đón 2,66 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 2,03 triệu lượt. Đến năm 2018, tổng lượt khách là 7,66 triệu lượt, trong đó khách nội địa là 4,78 triệu lượt, tăng gấp 2,35 lần so với năm 2012…
Du lịch Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi đối với thị trường khách nội địa như điểm đến Đà Nẵng có thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, gần các di sản văn hóa thế giới như phố cổ Hội An, cố đô Huế… giúp khách có nhiều lựa chọn về các loại hình du lịch; thành phố cũng liên tục có những sản phẩm du lịch mới, các khu vui chơi để thu hút lượng khách nội địa…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, lượng khách nội địa nếu so từng năm thì tăng trưởng khá thấp, đơn cử như năm 2018 chỉ tăng 11,2% so với năm 2017. Đà Nẵng cũng có nhiều “đối thủ” cạnh tranh như Phú Quốc, Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Yên…, bởi các điểm đến khác trong nước cũng phát triển rất mạnh mẽ, cơ sở vật chất cũng được quan tâm đầu tư.
Do đó, đối với thị trường khách nội địa, Đà Nẵng cần có bước chuyển mình theo. “Muốn khai thác tốt thị trường khách nội địa, Đà Nẵng cần phải có sản phẩm, kế hoạch quảng bá độc đáo và rõ nét hơn”, ông Quỳnh cho hay.
Trong kế hoạch “Nghiên cứu thị trường khách nội địa đến Đà Nẵng” trong năm 2018 do Sở Du lịch thành phố phối hợp với Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng thực hiện khảo sát trong 2 tháng (từ 15-4 đến 15-6-2018) cũng chỉ ra rằng, các kênh thông tin du khách tiếp cận để đến Đà Nẵng qua Internet chiếm 68,8%; thông qua kinh nghiệm truyền miệng và tham khảo ý kiến người thân bạn bè chiếm khoảng 54%, thông qua truyền hình, radio chiếm 23,7%; thông qua các kênh lữ hành tư vấn 10,7%; thông qua các gian hàng hội chợ trưng bày, quảng bá về du lịch Đà Nẵng chiếm 6,2%...
Khách nội địa rất hài lòng về các dịch vụ lưu trú (85,3%), ăn uống (82,7%), vận tải (77,6%)… Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra những điều khách chưa hài lòng về vấn đề giao thông tại Đà Nẵng như ý thức tham gia giao thông chưa cao, một số nơi như khu vực biển Mỹ Khê thường xảy ra hiện tượng ùn tắc gây khó khăn cho việc đi lại, du khách gặp khó khăn khi đi bộ băng qua đường tại tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp, Trường Sa; vệ sinh môi trường một số điểm tham quan chưa bảo đảm, đặc biệt là các công trình đang xây dựng gây ảnh hưởng đến du khách, số lượng nhà vệ sinh công cộng còn ít...
Một trong những khó khăn, thách thức khác của du lịch Đà Nẵng đối với thị trường nội địa cũng được các đơn vị lữ hành nhắc đến là xu hướng hiện nay, chi phí đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc… rẻ hơn so với đi du lịch trong nước nên nhiều người dân Việt Nam đã chuyển dần xu hướng đi du lịch nước ngoài vào các dịp lễ, Tết.
Song song với đó, nguồn nhân lực dù được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay; doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng đã được xây dưng nhưng chưa nhiều…
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ du lịch Bến Thành tại Đà Nẵng cho rằng, giải pháp để tăng cường thị trường nội địa ở Đà Nẵng hiện nay là nên phối hợp giữa các hãng hàng không và các khách sạn từ 3-5 sao, triển khai gói khuyến mãi bao gồm vé máy bay và khách với giá ưu đãi hấp dẫn; phát triển thêm loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội… để tạo được sự phong phú, hấp dẫn cho các chương trình du lịch của địa phương; nâng cấp các dịch vụ du lịch đi kèm thu hút khách, hình thành các khu, điểm vui chơi giải trí tại một số khu vực tập trung ở trung tâm thành phố, các tuyến đường ven biển như các dịch vụ thể thao giải trí, sử dụng địa hình tự nhiên như leo núi, golf, tàu lượn; sử dụng mặt nước như bơi thuyền, câu cá, lặn biển…; hợp tác liên vùng để xúc tiến hình ảnh, sản phẩm và chuẩn hóa dịch vụ…
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, Sở Du lịch tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng đến các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường quảng bá qua các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, đặc biệt chú trọng vào truyền thông mạng để quảng bá thông tin sự kiện của thành phố; tăng cường phối hợp với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế hình thành một mạng lưới du lịch với các tuyến, điểm, tour du lịch phong phú, đa dạng gắn kết với con đường di sản văn hóa thế giới; nghiên cứu triển khai thêm các tour, tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hóa của các tỉnh Tây Nguyên với du lịch biển Đà Nẵng...
Cùng với đó, Sở Du lịch cũng đề xuất với chính quyền thành phố sớm quy hoạch khu vực giải trí riêng dành cho khách du lịch, đặc biệt quy hoạch khu vực tuyến Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa thành một trục chuyên về du lịch có hệ thống vũ trường, quán bar, phố đi bộ, phố mua sắm, lưu niệm, ẩm thực, con đường lễ hội… với thời gian hoạt động 24/24 giờ; các đơn vị liên quan sớm hình thành các điểm mua sắm, kiểm tra việc niêm yết giá cả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; phát triển đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm đặc trưng riêng của thành phố; đầu tư bảo tồn các di sản, di tích, khôi phục và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống; bảo vệ các tài nguyên du lịch, cả tài nguyên tự nhiên và nhân văn; tổ chức định kỳ hằng năm các sự kiện văn hóa lễ hội đặc sắc, tạo sản phẩm du lịch mới thu hút dòng khách nội địa để khách không chỉ đến mà còn quay trở lại với thành phố.
Bài và ảnh: THU HÀ