Xây dựng kế hoạch phục hồi hậu Covid-19

.

Covid-19 quay trở lại khiến các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có ngành du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, dịch vụ hiện nay đều phải tạm dừng đón khách. Tuy nhiên, về lâu dài ngành du lịch cần có các giải pháp phù hợp khi dịch bệnh được khống chế để phục hồi lại các hoạt động.

Ngành du lịch Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khôi phục hoạt động du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó chú trọng việc quảng bá hình ảnh thành phố đến các thị trường du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: KIM LIÊN
Ngành du lịch Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khôi phục hoạt động du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó chú trọng việc quảng bá hình ảnh thành phố đến các thị trường du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: KIM LIÊN

Theo thống kê của Sở Du lịch, toàn thành phố có 398 đơn vị kinh doanh lữ hành, 16 khu, điểm du lịch, 955/1.080 cơ sở lưu trú, 350 đơn vị vận chuyển, 27 tàu du lịch đã tạm dừng hoạt động kinh doanh; chỉ còn 38 khách sạn phục vụ y bác sĩ, người nước ngoài trong công tác phòng, chống dịch và khoảng 87 cơ sở lưu trú đang phục vụ các khách dài hạn, khách công tác...

Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, ông Nguyễn Minh Xoang cho hay, sau dịch bệnh đợt hai này, tâm lý của du khách nội địa còn e ngại sẽ chưa đi du lịch ngay nên những người làm du lịch cũng xác định sẽ gặp khó khăn đến hết năm. Khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn hoặc có vắc-xin phòng, chống Covid-19 thì mới có thể có các giải pháp, kế hoạch thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án cụ thể để phục hồi ngành du lịch sau dịch bệnh là rất cần thiết. Mới đây, Sở Du lịch cùng các đơn vị liên quan tham gia hội nghị trực tuyến do Tổng cục Du lịch tổ chức về tình hình hoạt động doanh nghiệp du lịch do ảnh hưởng của Covid-19.

Sở cũng đã có buổi làm việc trực tuyến với Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC), Công ty Green Global nghiên cứu phương án ứng dụng công nghệ thông minh trong việc quản lý khách tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phục vụ khách, sở đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch triển khai các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng phục vụ du khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát; trong đó có báo cáo Tổng cục Du lịch về công tác quản lý khu du lịch quốc gia, tình hình phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trang trại, nông trại.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và UBND thành phố, sở xác định hoạt động kinh doanh du lịch phải phù hợp với tình hình thực tế về diễn biến của Covid-19 trên toàn cầu, tại Việt Nam và thành phố Đà Nẵng; đặc biệt là trong bối cảnh mới vừa chống dịch vừa bảo đảm hoạt động kinh tế. Qua đó, kỳ vọng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các hoạt động kinh doanh du lịch được phép mở cửa trở lại thì sẽ sớm tái khởi động ngay các bước chuẩn bị trước đó của Sở Du lịch.

Theo dự kiến cả năm 2020, ước tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 2,7 triệu lượt, giảm 68,6% so với năm 2019, tổng thu du lịch ước đạt 10.788 tỷ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019.

Trước tình hình lượng khách và doanh thu giảm mạnh, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết trong thời gian đến, Sở Du lịch sẽ triển khai một số giải pháp như: xây dựng, ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng Covid-19, định hướng tổ chức và quy trình hoạt động kinh doanh du lịch trong tình hình mới vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa khai thác kinh doanh.

Đồng thời, triển khai Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2021 để khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch, tập trung thu hút khách nội địa; tham mưu UBND thành phố xem xét, đăng cai hoặc tổ chức một số lễ hội, sự kiện, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế trong năm 2021 để kết hợp, quảng bá xúc tiến du lịch trở lại.

Sở Du lịch sẽ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quảng bá trên các kênh truyền thông, phối hợp doanh nghiệp du lịch tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, các hoạt động ngoại giao... để quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Song song đó, đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch trong nước, quốc tế; nghiên cứu tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch và tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị về nghiệp vụ, lập ngân sách, chiến lược ứng phó sau dịch...

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích