Gắn nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ

.

Theo số liệu công bố trong buổi tọa đàm giữa Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) với Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) thành phố ngày 27-9, trong năm 2017, ĐHĐN có 650 bài báo khoa học và công bố quốc tế đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo, trong đó có 164 bài báo thuộc hệ thống các danh mục uy tín trên thế giới như: ISI, SCOPUS…, tăng gần 50% so với năm 2016. Số đề tài KHCN được các nhà khoa học, giảng viên thực hiện là 385 đề tài các cấp, trong đó có 10 đề tài cấp quốc gia, 10 dự án KHCN, 100 đề tài cấp bộ và tương đương, 100 đề tài cấp ĐHĐN, 15 đề tài các tỉnh, thành và 150 đề tài cấp trường… Điều đó cho thấy hoạt động KHCN đang được đẩy mạnh tại các trường thành viên của ĐHĐN.

Tuy vậy, nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường đại học (ĐH) hiện nay vẫn còn không ít khó khăn. PGS. TS. Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐHĐN) cho biết,  hiện nguồn kinh phí dành cho NCKH còn hạn hẹp, trong khi NCKH chuyên sâu đòi hỏi đầu tư lớn. Nên chăng cần có giải pháp huy động nguồn tài trợ cho NCKH gắn nhu cầu doanh nghiệp với năng lực và cam kết “đầu ra” về chất lượng sản phẩm của nhà khoa học. Để đạt được điều đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn đào tạo với NCKH và chuyển giao công nghệ. Khi đó sẽ mang lại nhiều lợi ích chung, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm-kinh doanh dịch vụ để gia tăng lợi nhuận; đồng thời các nhà khoa học và nhà trường có thêm nguồn lực hỗ trợ cho NCKH.

Thực tế quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn còn nhiều rào cản. Đó là do doanh nghiệp chưa chú trọng và coi KHCN là yếu tố thúc đẩy phát triển. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có niềm tin vào sản phẩm KHCN trong nước. Vì vậy, việc liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp mới chủ yếu dừng lại ở ký kết ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, gửi sinh viên thực tập, triển khai một số kết quả NCKH, chuyển giao công nghệ nhỏ lẻ.

Bối cảnh cạnh tranh trong cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi nhà trường và doanh nghiệp phải thực sự xuất phát từ nhu cầu mỗi bên để nâng cao giá trị và hiệu quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ các sản phẩm nghiên cứu thì mới có thể đồng hành phát triển. Điều đó sẽ mở ra cơ hội cho các nhà khoa học, giảng viên, những người hội đủ khả năng để đóng góp, phát triển khoa học. Mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy nếu cung-cầu gặp nhau. Do đó, các trường cần tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để lựa chọn, ưu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, phương thức chuyển giao kết quả NCKH. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của đổi mới sáng tạo và ứng dụng KHCN sẽ đem lại lợi ích lâu dài, gia tăng năng lực cạnh tranh nhờ đổi mới công nghệ và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để kích cầu liên kết, các trường nên xây dựng cơ sở dữ liệu hợp tác doanh nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại để nâng cao chất lượng NCKH, bảo đảm chất lượng, tiến độ hợp đồng thực hiện đề tài NCKH và các dự án thử nghiệm, đồng thời cần có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nhà trường. Doanh nghiệp phải giữ vai trò trung tâm liên kết với nhà trường để tạo ra sản phẩm mới. Nhà nước chỉ nên giữ vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện giảm các thủ tục cản trở hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ.

Mục tiêu đến năm 2020, ĐHĐN phấn đấu trở thành ĐH định hướng nghiên cứu và là trung tâm đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực có uy tín hàng đầu Việt Nam và khu vực. Khi uy tín, học hiệu và năng lực của các trường thành viên được khẳng định thì doanh nghiệp sẽ chủ động tìm đến “đặt hàng” và đầu tư kinh phí cho NCKH và chuyển giao công nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.