Hãy suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ

.

Chiến dịch “Suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ” được Facebook phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) triển khai tại Đà Nẵng vừa qua giúp cho nhiều học sinh sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, không gây hại cho mình và những người khác.

Các đại sứ công nghệ số chia sẻ thông tin về cách giữ an toàn trên mạng đến các học sinh Trường THCS Hoàng Sa, Đà Nẵng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Các đại sứ công nghệ số chia sẻ thông tin về cách giữ an toàn trên mạng đến các học sinh Trường THCS Hoàng Sa, Đà Nẵng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Một ngày cuối tháng 9, hội trường của Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà) chật kín với hơn 200 học sinh tham gia buổi giao lưu của chiến dịch “Suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ”. Dẫn chương trình là một nhóm gồm 25 đại sứ công nghệ số ở độ tuổi 18-25 do MSD tuyển chọn tại Đà Nẵng và Huế, dựa trên các tiêu chí như: có kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng số; có phẩm chất lãnh đạo; có khả năng chia sẻ và truyền cảm hứng...

Buổi giao lưu kéo dài 75 phút tràn đầy tiếng cười và sự thích thú của học sinh. Thông qua những vở kịch, câu đố, trò chơi, các đại sứ công nghệ số đã chỉ ra một loạt lợi ích của mạng xã hội như: tạo kênh liên lạc, trao đổi dễ dàng; có thể trở thành nguồn tài nguyên tư liệu học tập...

Nhằm giúp các học sinh hiểu hơn về những chế độ bảo mật của mạng xã hội, các đại sứ công nghệ số đặt ra một số tình huống thường gặp. Đơn cử như có gia đình đi chơi, cậu con trai muốn đăng tải hình ảnh cả nhà lên facebook ở chế độ công khai (tức tất cả những người dùng facebook đều có thể nhìn thấy). Lập tức, các học sinh chỉ ra những rủi ro có thể xảy ra như gia đình này sẽ bị trộm viếng thăm (vì trộm... cũng dùng facebook và biết hiện không có ai ở nhà).

Thậm chí, việc chia sẻ thông tin ở các chế độ bạn bè hay bạn của bạn (thu hẹp phạm vi những người nhìn thấy thông tin) cũng có những rủi ro riêng dù ít hơn. Chương trình đặt ra giả định, nếu một người có 200 người bạn trên mạng xã hội, mỗi người bạn đó lại có thêm 200 người bạn khác. Vậy khi đăng thông tin ở chế độ bạn của bạn, sẽ có 200 x 200 = 40.000 người có thể nhìn thấy.

Đây là một con số cực kỳ lớn. Như vậy, nếu điều bạn chia sẻ là tích cực thì nó sẽ có tác động tốt đến nhiều người. Ngược lại, nếu bạn chia sẻ những điều tiêu cực, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ những người dùng mạng xã hội. 

Sau buổi chia sẻ hôm ấy, nhiều học sinh bày tỏ sự hào hứng trước những thông tin mà các đại sứ công nghệ số cung cấp, đặc biệt là thông điệp: trước khi chia sẻ bất kỳ điều gì lên mạng xã hội, hãy dừng lại để suy nghĩ kỹ.

Cô Mai Huyền Thu Hoài, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Sa nhìn nhận, một chương trình dạy về an toàn trên mạng là rất cần thiết đối với các học sinh ở lứa tuổi THCS (12-15 tuổi). Ở độ tuổi này, các em có thể tiếp cận công nghệ rất nhanh chóng, song lại chưa đủ nhạy bén, kinh nghiệm để phát hiện ra những rủi ro khi dùng mạng xã hội không đúng cách.

Không ít học sinh trung học đang sở hữu một hoặc một vài tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...), song không phải ai cũng biết cách tự bảo vệ mình trước những rủi ro như: bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị theo dõi và biến thành nạn nhân cho những mưu đồ đen tối...

Anh Lê Đình Tư (SN 1995, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), Trưởng nhóm đại sứ công nghệ số khu vực miền Trung cho biết, chiến dịch “Suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ” bắt đầu được phát động tại 3 miền trên cả nước vào tháng 6-2018. Sau khi được tuyển chọn, 130 thanh niên, trong đó chủ yếu là sinh viên, đã được đại diện Facebook và MSD tập huấn các kỹ năng an toàn trên mạng, kỹ năng thuyết trình, lắng nghe, phản hồi tích cực...

Từ tháng 9-2018, chiến dịch “Suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ” dần lan tỏa khắp các trường THCS và THPT trên cả nước, cung cấp cho thanh-thiếu niên các công cụ và hướng dẫn cách chia sẻ thông tin an toàn, có trách nhiệm trên mạng xã hội. Anh Lê Đình Tư cho rằng, chính thông điệp “suy nghĩ trước khi bạn chia sẻ” đã tạo động lực rất lớn cho nhiều bạn tham gia vào chiến dịch.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội tràn đầy những bài viết mang tính một chiều và những thông tin giả gây hoang mang dư luận. Và người chia sẻ những bài viết đó hầu hết đều là những người trẻ. Theo anh Tư, các bạn trẻ cần được giáo dục nhận thức, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức về cách tư duy phản biện, cách tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) năm 2017, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.

 

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.