Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố đang phát huy vai trò đầu mối kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp (DN), nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý để ngày càng có nhiều đề tài giá trị đi vào thực tiễn cuộc sống.
Doanh nghiệp Đà Nẵng tích cực nghiên cứu đổi mới công nghệ. |
Thực tế hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên và các chuyên gia trên địa bàn thành phố ngày càng chuyển biến tích cực. Tính từ năm 2003 đến nay, Sở KH&CN quản lý 395 đề tài, dự án nghiên cứu.
Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu của học sinh, sinh viên và giảng viên được thực hiện; trong đó có nhiều đề tài giá trị, đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, hiện vẫn còn những khó khăn như: nguồn cung chưa đủ mạnh; môi trường pháp lý chưa đáp ứng mong muốn của bên cung lẫn bên cầu...
Đặc biệt, việc liên kết giữa DN với các viện, trường, các nhà khoa học vẫn còn rời rạc nên việc chuyển giao và tiếp nhận kết quả nghiên cứu gặp nhiều khó khăn ngay từ việc lựa chọn công nghệ, định hướng nghiên cứu, phương thức chuyển giao cho đến định giá sản phẩm…
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố, nhìn nhận, trong thực tế sản xuất kinh doanh, các DN luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả ở tất cả các khâu từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm…
Thế nhưng, do những hạn chế về vốn, nhân sự…, nhiều DN chưa quan tâm đến nguồn lực cho đổi mới công nghệ cũng như chưa chú trọng việc liên kết với các đơn vị nghiên cứu để nâng cao trình độ công nghệ.
Như vậy, nguồn cung phải bảo đảm và đặc biệt có sự gặp gỡ bên cung và cầu thì các dự án, sản phẩm khoa học công nghệ mới thực sự phát triển và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của DN. Để từng bước tháo gỡ cho bài toán cung - cầu hiện nay, Sở KH&CN đã đứng ra làm đầu mối gắn kết giữa “3 nhà” gồm: DN - nhà trường - cơ quan quản lý thông qua chương trình ký kết hợp tác giữa Trung tâm Thông tin KH&CN Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố và Đại học Nguyễn Tất Thành (T.P Hồ Chí Minh) nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ trong thời gian đến.
Trung tâm Thông tin KH&CN Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng, duy trì và đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Đà Nẵng (techmartdanang.vn) trực thuộc Sở KH&CN. Đến nay, sàn có gần 8.000 DN trong và ngoài nước tham gia.
Mục tiêu của sàn là xây dựng một thị trường công nghệ của thành phố Đà Nẵng trên mạng Internet, góp phần thiết lập các mối quan hệ giữa cung và cầu trong lĩnh vực KH&CN. Sàn tri thức Novelind do khoa Công nghệ thông tin, Đại học Nguyễn Tất Thành chủ trì vận hành cũng sẽ đến với Đà Nẵng trong hoạt động kết nối này.
TS. Dương Trọng Hải, Viện trưởng Viện KHCN Industry 4.0, nhà sáng lập sàn, cho biết, sàn tri thức Novelind là nơi các cá nhân, tổ chức, DN kinh tế, khoa học kỹ thuật muốn đầu tư dự án và chọn giải pháp kết nối tới những nhà khoa học, chuyên gia có kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức liên quan để tham gia và hiện thực hóa ý tưởng nhằm giải quyết các thách thức. Đây còn là nơi mà các nhà khoa học sử dụng tri thức để phục vụ cộng đồng. Ông Nguyễn Phúc Đại, Giám đốc Công ty TNHH An Khánh cho biết muốn đến đây để đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, đầu tư dây chuyền nhằm tăng năng suất trong hoạt động sản xuất thức ăn công nghiệp của đơn vị ông.
Ông Trần Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN (Sở KH&CN) cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu công nghệ của DN để giúp tìm nhà khoa học, nhà cung cấp công nghệ; hỗ trợ DN xây dựng các đề tài, dự án. Hy vọng niềm tin ngày càng được củng cố để “3 nhà” có thể cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đưa hoạt động kết nối cung cầu KH&CN mang lại hiệu quả thiết thực nhất”.
Bài và ảnh: TRẦN NHIÊN