Tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) và Đại học Huế tổ chức vào tháng 10 vừa qua tại tỉnh Thừa Thiên Huế, 3 dự án khởi nghiệp của Đà Nẵng đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng công nghệ.
Dự án “Phao cứu hộ điều khiển từ xa” - ý tưởng hay của sinh viên Trường Đại học Duy Tân. |
3 dự án đó là: “Phao cứu hộ điều khiển từ xa”, “Hệ thống đo đạc và thu thập dữ liệu điện năng thông minh” và “Phần mềm di động Homecares”. “Phao cứu hộ điều khiển từ xa” là dự án của các sinh viên Trường Đại học Duy Tân.
Thiết bị phao cứu hộ có khả năng hỗ trợ con người trong việc cứu nạn nhân bị đuối nước. Khi phát hiện có người đuối nước, phao được điều khiển đến chỗ nạn nhân. Tốc độ hiện tại của phao là 35km/giờ (có thể nâng cấp lên đến 50km/giờ).
Một sản phẩm khác của nhóm sinh viên Trường Đại học Duy Tân là “Hệ thống đo đạc và thu thập dữ liệu điện năng thông minh”. Thiết bị được hoàn thiện sau 3 tháng giúp đo đạc điện năng tiêu thụ của từng thiết bị điện trong gia đình.
Đoàn Quang Hưng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh, người dùng có thể kiểm tra, thống kê và biết được những cảnh báo về rò rỉ điện hay điện bị đánh cắp. Đây là chức năng nổi trội của thiết bị và có khả năng ứng dụng rộng rãi ở quy mô hộ gia đình, nhà chung cư, hay nhà máy, xí nghiệp.
Cũng được đánh giá cao, dự án phần mềm di động Homcare của Công ty CP Sức khỏe Homcare giúp người dùng có nhiều thông tin hữu ích phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Người dùng cũng có thể kiểm tra hệ thống các bệnh viện và phòng khám, đặt lịch hẹn với bác sĩ, biết thông tin về giá cả, khoảng cách đến phòng khám gần nhất.
Ngoài ra, thông tin sức khỏe của người dùng cũng được quản lý trên sổ y bạ điện tử được bảo mật và an toàn tuyệt đối. Sử dụng phần mềm này, khách hàng có thể theo dõi sức khỏe mọi lúc mọi nơi và tham vấn với bác sĩ chuyên môn.
Nhận xét về các dự án khởi nghiệp này tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền trung và Tây Nguyên”, ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Những dự án khởi nghiệp của Đà Nẵng có ý nghĩa rất thiết thực đối với cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn cần quan tâm đến các chỉ số kỹ thuật của thiết bị, nhận diện đối tượng khách hàng là ai, định hướng rõ địa chỉ ứng dụng…”.
Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN thành phố Vũ Thị Bích Hậu, đây là những ý tưởng rất đáng quý. Trên cơ sở những nghiên cứu này, các nhóm nghiên cứu cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu và định hướng rõ những bước đi sắp tới để phát triển trong hành trình khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, phục vụ trong cộng đồng.
Bài và ảnh: THANH THẢO