Để học sinh đam mê nghiên cứu khoa học

.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học được ngành giáo dục triển khai trong những năm qua thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trên địa bàn thành phố. Trong đó, ngành giáo dục quận Liên Chiểu trở thành điểm sáng trong “sân chơi” này.

Dự án “Phun sơn tự động” của học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân.
Dự án “Phun sơn tự động” của học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân.

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, mong muốn học sinh trung học có sân chơi nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, ngành giáo dục quận đã lập kế hoạch, triển khai đến các trường, kêu gọi học sinh, giáo viên tích cực tham gia. Sau khi các em có đề tài cộng với sự hỗ trợ của giáo viên, Phòng GD&ĐT tiến hành tập huấn, mời các giáo sư, tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Duy Tân hướng dẫn thực hiện đề tài. Ngay từ đầu năm học 2015-2016, Phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu đã đại diện cho khối THCS và THPT thành phố có 1 dự án tham gia cấp quốc gia. Từ năm học 2016-2017 đến nay, ngành GD&ĐT quận Liên Chiểu luôn nằm trong tốp dẫn đầu các cuộc thi KHKT cấp thành phố và chỉ xếp sau Trường THPT Lê Quý Đôn. Trong đó, nhiều dự án tham gia của học sinh có chất lượng, được chọn tham gia cấp quốc gia.

Phong trào thi KHKT phát triển ở tất cả các trường THCS trên địa bàn quận Liên Chiểu, trong đó phải kể đến các trường: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Lương Bằng, Lương Thế Vinh, Lê Anh Xuân… Cuộc thi KHKT cấp quận năm học 2018-2019 diễn ra vào giữa tháng 11-2018 với 43 đề tài dự thi. Nhiều đề tài được học sinh thể hiện rất công phu và sát thực tiễn đời sống. Điển hình như dự án “Máy phun sơn tự động” của hai em Nguyễn Văn Tuấn và Ngô Tấn Vĩnh (học sinh lớp 9/4 Trường THCS Lê Anh Xuân) đoạt giải nhất ở lĩnh vực kỹ thuật cơ khí. Để làm được dự án này, hai học sinh và thầy giáo hướng dẫn Lê Viết Thương phải thực hiện trong 3 tháng. “Sản phẩm này dùng phun sơn tự động đối với các vật dụng có kích thước bề ngang dưới 40cm và hoạt động theo băng chuyền. Nếu được áp dụng trong thực tiễn, dự án sẽ hữu ích trong việc phun sơn các đồ gia dụng”, thầy Thương chia sẻ.

Dự án “Giải pháp chiếu sáng nhà ống bằng ánh sáng mặt trời” của hai học sinh lớp 9 Văn Tấn Lợi và Lê Hoàng Phúc, có sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Hữu Thành (Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) đoạt giải nhất ở lĩnh vực vật lý. Theo chia sẻ của Lợi và Phúc, không gian đô thị ngày càng chật hẹp, nhà ống là lựa chọn tối ưu của nhiều hộ gia đình nên ánh sáng thường bị thiếu. Giải pháp này sẽ khắc phục sự thiếu ánh sáng của các nhà ống.

Thầy Nguyễn Thanh Ký, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, từ năm học 2015-2016, khi ngành giáo dục phát động cuộc thi, học sinh của trường đã hăng hái tham gia và gặt hái nhiều thành tích đáng khích lệ. “Phong trào thực sự lan tỏa, tạo khí thế giúp các em lớp 8 và 9 hào hứng tham gia. Cuộc thi giúp học sinh tiếp cận lĩnh vực khoa học, đam mê khoa học; đồng thời qua đây cũng đổi mới phương pháp học, tự học, tự sáng tạo cho học sinh”, thầy Ký chia sẻ.

Bà Lữ Thị Kim Hoa cho rằng, thông qua cuộc thi KHKT, các em tìm cách vận dụng những kiến thức thu nhận từ nhà trường và các nguồn tài liệu khác nhau để tạo ra những sản phẩm cụ thể, có ích cho cộng đồng. Đây là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi học sinh trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng đòi hỏi giáo viên phải đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức để hướng dẫn học sinh. Cuộc thi KHKT chính là “cú hích” để giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, không áp đặt mà trở thành người khơi gợi kiến thức, định hướng học sinh tìm tòi, giúp các em phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo trong việc thu nhận kiến thức. Phong trào này đang được ngành giáo dục quận Liên Chiểu đặc biệt quan tâm; qua đó nhằm giúp học sinh “học đi đôi với hành”, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.