Vai trò của trí thức trong hoạt động khoa học và công nghệ

.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, khoa học và công nghệ (KH&CN) là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, Đà Nẵng luôn chú trọng đầu tư và xem KH&CN là một trong những lĩnh vực trọng điểm trong quá trình đưa thành phố tiến nhanh, điều đó phần nào khẳng định việc đầu tư cho KH&CN là hướng đi đúng đắn.

Nhiều nghiên cứu ứng dụng khoa học nông nghiệp được tập trung theo hướng phục vụ nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao.  	          Ảnh: KHANG NINH
Nhiều nghiên cứu ứng dụng khoa học nông nghiệp được tập trung theo hướng phục vụ nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: KHANG NINH

Trong thời gian qua, với sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức, KH&CN đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng-an ninh cũng như các lĩnh vực sản xuất, đời sống.

Qua đánh giá công tác nghiên cứu khoa học 10 năm trở lại đây (2008-2018) cho thấy, có tổng cộng gần 300 nhiệm vụ KH&CN các cấp, từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở được đội ngũ trí thức triển khai thực hiện cho thành phố Đà Nẵng. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã huy động được đông đảo lực lượng đội ngũ trí thức từ các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các sở, ban, ngành trong cũng như ngoài thành phố tham gia thực hiện phục vụ cho việc xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn để nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Trong đó, đã có gần 23% chủ nhiệm nhiệm vụ là PGS, GS và rất nhiều người có trình độ đại học, sau đại học tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn, phục vụ các mục tiêu phát triển thành phố.

Trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, số lượng các nhiệm vụ lĩnh vực này chiếm gần 1/3 trong tổng số các nhiệm vụ đã được thực hiện. Đội ngũ trí thức đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, quản lý đô thị, xây dựng, giao thông vận tải, xây dựng chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, có nhiều đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, xây dựng thành phố thông minh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng cũng như triển khai các tiện ích phục vụ công tác quản lý của các ngành, các đơn vị.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các nhiệm vụ đã huy động được nhiều nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào công tác điều tra cơ bản, cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng về tài nguyên, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của thành phố, làm luận cứ khoa học cho việc bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu ứng dụng các công cụ cảnh báo, dự báo sớm thiên tai, công nghệ dự báo và giám sát xâm nhập mặn; công nghệ thu nước, cấp nước... Qua 10 năm,  đã có gần 50 nhiệm vụ KH&CN các cấp được triển khai, mang lại kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực y dược, ngành y tế là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển của thành phố. Trong thời gian vừa qua, đội ngũ trí thức đã rất tích cực nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Nhiều kỹ thuật tiên tiến, kỹ thuật cao đã được nghiên cứu ứng dụng thành côngtrong chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều bệnh lý đã được chẩn đoán và điều trị với tỷ lệ thành công cao. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về dịch tễ, nghiên cứu phát triển y học cổ truyền, sản xuất thuốc... cũng được quan tâm chú trọng. Nhiều kỹ thuật và các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học đã được đưa vào sử dụng trong ngành y tế.

Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, tuy nông nghiệp không phải là thế mạnh của thành phố Đà Nẵng nhưng đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng thuộc nhóm này, tập trung theo hướng phục vụ nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao với các đối tượng cây trồng và vật nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi được triển khai gần đây về trồng bưởi da xanh, trồng cây dược liệu và sản xuất rau hữu cơ chú trọng gắn kết với doanh nghiệp để triển khai các dự án theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, làm tiền đề để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa và phát triển nông nghiệp hiện đại.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đội ngũ trí thức đóng góp nhiều kết quả nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ việc hoạch định chiến lược và chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, đào tạo nhân lực, an dân, an sinh xã hội, nghiên cứu về lịch sử, khảo sát, sưu tầm tư liệu về văn hóa dân gian, văn nghệ, khảo cổ và  nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo quê hương...

Thời đại công nghệ 4.0 đang mở ra cho thành phố nhiều cơ hội phát triển mới và nhanh hơn. Nếu biết tận dụng, đây sẽ là cơ hội để Đà Nẵng bùng lên mạnh mẽ và để có thể thực hiện được điều này, chắc chắc đội ngũ trí thức đóng vai trò tiên phong trong việc “mang trí thức để Đà Nẵng hóa rồng”.

VŨ THỊ BÍCH HẬU
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.