Thiết bị làm mát không khí theo phương pháp bay hơi nước gián tiếp ứng dụng chu trình Maisotsenko (gọi tắt là M-IEC) vừa được các sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nghiên cứu và chế tạo. Đây được xem là giải pháp tối ưu có thể được chọn lựa trong việc thay thế các máy điều hòa không khí tốn khá nhiều điện năng hiện nay.
Mô hình thiết bị tham gia “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế năm 2018 - TechDemo” tại Cần Thơ vào tháng 10 năm 2018. |
Phương án này đã được ứng dụng và thành công ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có một công trình nghiên cứu nào về phương pháp làm lạnh này. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm các sinh viên gồm: Hoàng Trọng Tuấn Huy, Đinh Minh Hiển, Dương Vĩnh Huỳnh, Nguyễn Việt Ân của khoa Công nghệ nhiệt - Điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa tiên phong thực hiện dưới sự hướng dẫn của ThS. Ngô Phi Mạnh (giảng viên của trường). Nghiên cứu này đã đoạt giải ba trong Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học (SVNCKH) thành phố Đà Nẵng năm 2018 do Sở KH&CN tổ chức.
Các sinh viên bắt đầu triển khai ý tưởng của mình từ giữa năm 2018. Trong quá trình đi tìm các phương án nhằm thay thế cho máy điều hòa không khí truyền thống, vốn tiêu thụ điện năng lớn, môi chất lạnh gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường sống..., nhóm nghiên cứu đã tập trung vào hiệu quả của thiết bị M-IEC với điều kiện khí hậu khu vực Đà Nẵng, Việt Nam. Mô hình được phân tích, thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh sau khi hoàn thành các bước nghiên cứu lý thuyết; tiếp đến là thực hiện nhiều thí nghiệm có chủ đích nhằm đánh giá hiệu quả làm việc của mô hình.
Thực tế vận hành cho thấy, thiết bị M-IEC có hiệu quả làm lạnh cao hơn, nhưng tiêu tốn điện năng của thiết bị ít hơn khoảng 10 lần so với điều hòa thông thường khi ở cùng năng suất lạnh. Khi thiết bị hoạt động với năng suất lạnh 8.400 BTU/giờ (tương đương với 1 máy lạnh có công suất điện tiêu thụ 1hp = 745W) thì điện năng tiêu thụ chỉ là 90W.
Thiết bị sử dụng môi chất là nước và không khí nên rất thân thiện với môi trường. Cấu tạo máy đơn giản, môi chất làm việc ở áp suất khí quyển nên việc bảo trì dễ dàng, không cần nhân viên có tay nghề và ít tốn kém. Thiết bị có khả năng vận hành kết hợp với các hệ thống điều hòa không khí như waterchiller, VRF… Khi kết hợp thì năng suất lạnh của hệ thống điều hòa không khí sẽ tăng lên, không những thế còn giảm được tối đa công suất điện tiêu thụ. Đây là phương án rất khả quan cho việc phát triển điều hòa không khí hiện nay.
Sinh viên Hoàng Trọng Tuấn Huy, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Định hướng của chúng tôi là thực hiện nghiên cứu nhằm việc xác định tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng mô hình thiết bị vào thực tiễn, sau đó có điều kiện thì mở rộng ứng dụng sản xuất quy mô đại trà. Nhưng theo tôi, hiện tại thiết bị này mới chỉ được ứng dụng trong phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy tại nhà trường, chúng tôi là sinh viên nên chưa có đủ điều kiện kinh phí. Nếu có thể được đầu tư vào sản xuất công nghiệp thì đây là một thiết bị có khả năng cạnh tranh tốt”.
Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học được Sở KH&CN chủ trì tổ chức hằng năm. Năm 2018, có 11 nghiên cứu xuất sắc đoạt giải cao tại cuộc thi. Năm 2019, ban tổ chức nhận hồ sơ dự thi từ tháng 3 đến 12-2019 với 2 vòng thi: vòng thi cơ sở (tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố) và vòng thi cấp thành phố. Nội dung năm nay sẽ tập trung vào các đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, năm nay, ban tổ chức sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức các vòng sơ loại tại cơ sở. Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích với tổng giá trị giải thưởng lên tới 19 triệu đồng. |
Bài và ảnh: TRẦN NHIÊN