Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển khoa học-công nghệ

.

* Tìm thị trường ổn định cho dược liệu

Chiều 21-6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 15.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Trong khi vùng Nam Trung Bộ hội tụ các điều kiện để phát triển kinh tế biển, thì vùng Tây Nguyên lại có nhiều thế mạnh để phát triển công-lâm nghiệp, chăn nuôi, khai thác và chế biến khoáng sản, dược liệu. Do đó, cần thúc đẩy hoạt động KH&CN trong các lĩnh vực trên, từ đó trở thành khâu đột phá phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của toàn vùng.

Tại hội nghị, đại diện ngành KH&CN các địa phương đã trình bày nhiều vấn đề như: đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực của các địa phương; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; thúc đẩy liên kết trong hoạt động KH&CN… Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Thái Bá Cảnh cho biết, theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã có kế họach xây dựng một trung tâm khởi nghiệp cấp vùng tại Đà Nẵng. Để làm được điều này, thành phố cần có sự hỗ trợ, liên kết của các địa phương trong vùng, đặc biệt là trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các dự án khởi nghiệp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở những tỉnh, thành lân cận.

* Sáng cùng ngày, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị KH&CN phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.  Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là hai vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước.

Song, hiện nhiều loại dược liệu quý vẫn chưa được quy hoạch và phát triển thành chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp, thậm chí có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu. Trong khi đó, quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lại chưa liên kết chặt chẽ; công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu dược liệu của các địa phương trong hai vùng này vẫn còn nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhìn nhận, mức độ phát triển dược liệu ở Tây Nguyên - Nam Trung Bộ nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng; đa phần các sản phẩm còn ở dạng thô. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực này để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, có thể được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nhờ ứng dụng KH&CN trong công tác đánh giá thực trạng và phân loại dược liệu, đến nay số loài cây thuốc được ghi nhận đã tăng lên nhiều. Trong đó, Đà Nẵng có 1.117 loài cây thuốc được ghi nhận, một số loài đã được xây dựng mô hình sản xuất giống như: nghệ vàng, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo…

PHONG LAN
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.