Tìm đầu ra ổn định cho dược liệu

.

ĐNO - Sáng 21-6, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Y tế phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị “KH&CN phục vụ phát triển dược liệu vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. 

Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm dược liệu được trưng bày tại khu vực triển lãm của hội nghị.
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm dược liệu được trưng bày tại khu vực triển lãm của hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là hai vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước. Song, hiện nhiều loại dược liệu quý vẫn chưa được quy hoạch và phát triển thành chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp, thậm chí có nguy cơ cạn kiệt.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu. Trong khi đó, quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lại chưa liên kết chặt chẽ; công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu dược liệu của các địa phương trong hai vùng này vẫn còn nhiều bất cập.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhìn nhận, mức độ phát triển dược liệu ở Tây Nguyên - Nam Trung Bộ nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng; đa phần các sản phẩm còn ở dạng thô. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực này để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn, có thể được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), nhờ ứng dụng KH&CN trong công tác đánh giá thực trạng và phân loại dược liệu, đến nay số loài cây thuốc được ghi nhận đã tăng lên nhiều. Trong đó, Đà Nẵng có 1.117 loài cây thuốc được ghi nhận, một số loài đã được xây dựng mô hình sản xuất giống như: nghệ vàng, đinh lăng, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo…

Lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng) cho hay, để phát triển dược liệu bền vững, yếu tố bức thiết nhất vẫn là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tại Đà Nẵng, thuốc nam khai thác ở địa phương chỉ lòng vòng trong phạm vi y học dân gian và chữa bệnh nhân đạo từ thiện. Bên cạnh đó, do nhiều tập quán và rào cản về cơ chế đấu thầu tập trung, quản lý cứng nhắc nên dược liệu bản địa dù chất lượng tốt, hiệu quả cao vẫn chưa "có cửa" vào hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền cả y tế Nhà nước và phòng khám tư nhân.

Vì vậy, lương y  Phan Công Tuấn đề xuất thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân có đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển nguồn dược liệu tại địa phương, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu; tăng cường khôi phục các vườn thuốc nam của các trạm y tế xã theo hướng thực dụng, có cơ chế đưa thuốc nam địa phương vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế tuyến xã, phường.

Tin và ảnh: PHONG LAN

 

 

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.