Công nghệ thông tin là 'chìa khóa' cải cách hành chính bảo hiểm xã hội

.

Khối lượng công việc ngày càng nhiều trong khi số lượng cán bộ viên chức không tăng, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì cơ quan bảo hiểm xã hội rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh kiểm tra hoạt động Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh kiểm tra hoạt động Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung vào công tác cải cách hành chính với cải cách các thủ tục hành chính, cải tổ bộ máy làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Giảm thủ tục, tránh phiền nhiễu cho người tham gia bảo hiểm

Các Nghị quyết của Chính phủ luôn nhấn mạnh đến việc cảo cách hành chính mà  trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Đó cũng là một  mục tiêu lớn được Chính phủ quan tâm với mục đích rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với ngành bảo hiểm xã hội, cải cách hành chính là  nhiệm vụ xuyên suốt năm 2019. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Cải cách hành chính giúp chúng tôi quản lý và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến người tham gia, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.”

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang  phục vụ cho trên 83,5 triệu đối tượng của ngành, tương đương với khoảng 88,5% dân số. Với mức tổng mức thu chi hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm tăng hàng chục nghìn tỷ đồng. Hằng năm bảo hiểm xã hội còn giải quyết các chế độ ngắn hạn và hằng tháng cho gần 10 triệu lượt người và đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho khoảng 150 triệu lượt người…

“Nhìn chung, khối lượng công việc mà bảo hiểm xã hội đảm nhận hàng năm đều tăng trong khi số lượng cán bộ viên chức không tăng, cho nên nếu không ứng dụng công nghệ thông tin thì bảo hiểm xã hội rất khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, dù cán bộ nhân viên phải tăng thêm giờ làm việc,” ông Đào Việt Ánh bày tỏ.

Từ năm 2014 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt đã giảm 75% số lượng thủ tục hành chính. Cụ thể, từ 115 thủ tục năm 2014 xuống còn 33 thủ tục năm 2015, 32 thủ tục năm 2016, 28 thủ tục năm 2017, 2018 và 27 thủ tục năm 2019. Đồng thời số giờ thực hiện thủ tục hành chính  giảm mạnh từ 335 giờ năm 2014  xuống còn xuống còn 147 giờ năm 2018.

Thời hạn cấp sổ bảo hiểm xã hội từ 20 ngày và thẻ  bảo hiểm y tế từ 7 ngày đều được rút ngắn xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi trả thì số lần thực hiện giao dịch điện tử giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm.

Công nghệ là “chìa khóa”

Bảo hiểm xã hội Việt Nam coi việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cùng với việc cải tổ chức bộ máy làm việc là những công việc gắn bó mật thiết với nhau trong việc cải cách thủ tục hành chính. Nhờ việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành, cho đến nay bảo hiểm xã hội đã thực hiện giao dịch điện tử với trên 90% đơn vị tham gia, kết nối với trên 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; tin học hóa hầu hết các lĩnh vực, nghiệp vụ chính...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, quý 3-2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức triển khai Phần mềm giao dịch điện tử phiên bản Website thay thế Phần mềm KBHXH (phần mềm hỗ trợ kê khai bảo hiểm xã hội) nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa các đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện giao dịch điện tử  bảo hiểm xã hội và bắt đầu áp dụng giao dịch điện tử đối với cá nhân trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, ngành cũng đã triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội (Hệ thống SMS); Triển khai hiệu quả việc số hóa, gửi nhận văn bản, tài liệu điện tử giữa các đơn vị trong phạm vi Ngành trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; gửi, nhận, phát hành văn bản điện tử với các Bộ, ngành trên trục liên thông. Tính đến nay, bảo hiểm xã hội đã cung cấp được 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 6 dịch cụ công mức độ 3.

Phía Bảo hiểm xã hội cho hay, việc cải cách hành chính trong năm 2019 đã vấp phải không ít những vướng mắc. Đó là nguyên nhân đã ảnh hưởng đến việc tăng số lượng dịch vụ công mức độ 4 (là mức cho phép người sử dụng thanh toán tiền dịch vụ). Nguyên nhân là bởi là do  thủ tục giải quyết công việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội khá phức tạp, các tổ chức, cá nhân vẫn còn mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, kê khai nộp bảo hiểm xã hội do yêu cầu về thủ tục, hồ sơ phải đảm bảo theo quy định. Điều này chỉ có thể cải thiện khi các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về doanh nghiệp, về bảo hiểm được kết nối, chia sẻ và cơ sở pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu được hoàn thiện.

Ngoài ra, việc thực hiện cải cách hành chính cũng đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành bảo hiểm xã hội. Do vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ… nhưng một trong các khó khăn hiện nay là rất khó tuyển dụng được những sinh viên giỏi vào làm việc, nhất là người có chuyên ngành đào tạo về công nghệ thông tin, y, dược.

 

Để khắc phục độ phức tạp mang tính đặc thù ngành cũng như bài toán nguồn nhân lực trong năm 2020, ông Đào Việt Ánh khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm cắt giảm, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho quá trình thực hiện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, đảm bảo tính khả thi, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kê khai nộp bảo hiểm xã hội và  cung cấp các công cụ, tiện ích để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội được thuận tiện, hỗ trợ truy cập  trên thiết bị di động, các ứng dụng trên nền tảng di động sẽ cho phép truy cập, tra cứu và khai thác thông tin một cách tiện lợi và đa dạng cho các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam,” ông Đào Việt Ánh nói.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tổ chức triển khai đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ. Đây là cơ sở để đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích tuyển dụng sinh viên giỏi vào làm việc trong ngành, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức hiện có để đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.