'Make in Vietnam' - Cơ hội và động lực phát triển Việt Nam

.

Trong năm 2019, cụm từ “Make in Vietnam” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đến nhiều lần khi nói về chiến lược phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất. Ảnh: TTXVN phát
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất. Ảnh: TTXVN phát

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Make in Vietnam” là bước đi cần thiết giúp Việt Nam phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là định hướng trọng tâm để tạo bước đột phá cho ngành công nghệ thông tin, truyền thông có thêm nhiều sản phẩm, giải pháp, dịch vụ làm chủ thị trường trong nước và vươn tầm thế giới. Tạo ra những sản phẩm công nghệ Việt, do người Việt là cơ hội và động lực phát triển của Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đón nhận cơ hội

Tại Diễn đàn “Make in Vietnam” tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp về việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là lời tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.

Hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp như Viettel, VNPT, FIS, MISA… đã coi việc làm ra sản phẩm Việt Nam là một sứ mệnh cần thực hiện. Ông Trần Hữu Quyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông (VNPT Technology), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam chia sẻ: Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ, với các mức độ từ việc hợp tác công nghệ, chủ động sáng tạo, thiết kế, phát triển công nghệ mới, cho tới dẫn dắt xu hướng, đơn vị đã xúc tiến hợp tác với các hãng công nghệ nguồn hàng đầu trên thế giới để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thiết bị, giải pháp công nghệ.

Công ty đã hợp tác chiến lược với các đơn vị nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước, như: Đại học Fraunhofer, Wurzburg (Cộng hòa Liên bang Đức), Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nghiên cứu. Nguồn nhân lực trình độ cao chính là nội lực mang tính sống còn của một doanh nghiệp công nghệ.

Theo Sách Trắng Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2019, ngành Công nghệ Thông tin đã góp phần làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Việt Nam đã sản xuất được trên 70% các loại thiết bị viễn thông và quyết tâm trở thành nước thứ tư trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông để không chỉ phục vụ trong nước, còn xuất khẩu ra thế giới.

Mới đây, các Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup đã công bố thương mại hóa thiết bị 5G “Make in Vietnam” vào năm 2020. Công bố này này đã góp phần thổi bùng ngọn lửa khích lệ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao để lan tỏa niềm tự hào Việt Nam.

Tận dụng lợi thế

Sự phát triển của công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây là rất tích cực với tốc độ phát triển cơ bản là trên 9%. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Make in Vietnam” là một bước đi cần thiết để đảm bảo tính ổn định, chủ động của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, giúp Việt Nam phát triển bền vững.

Hiện có nhiều yếu tố tích cực cho việc triển khai chương trình “Make in Vietnam”, điển hình là sự đa dạng, “bình dân hóa” của các dây chuyền sản xuất, của các công nghệ nền, công nghệ cốt lõi. Nếu như trước đây, doanh nghiệp nào tự thiết kế lắp đặt dây chuyền tốt, doanh nghiệp đó sẽ có sản phẩm, ngày nay, có rất nhiều công ty trên thị trường có thể cung cấp dây chuyền sản xuất cho nhiều doanh nghiệp khác làm ra sản phẩm.

Trước đây, doanh nghiệp nào làm chủ công nghệ cốt lõi sẽ có thế mạnh cạnh tranh, ngày nay, công nghệ cốt lõi rất đa dạng và cũng rất mở, không một đơn vị nào có thể sở hữu bản quyền tất cả các công nghệ. Các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ cốt lõi tốt hơn sẽ có thể cạnh tranh mạnh hơn. Do đó, đa phần các công nghệ cốt lõi có thể được chuyển giao, tiếp thu nhanh, với chi phí hợp lý.

Yếu tố thuận lợi khác là hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gia công cho các công ty nước ngoài, đặc biệt là trong ngành công nghiệp phần mềm. Việc gia công giúp người lao động của các doanh nghiệp từng bước có thói quen, tác phong công nghiệp, cách suy nghĩ, hành xử chuyên nghiệp, hiểu được quy trình vận hành một phân xưởng công nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp khi gia công cũng sẽ từng bước học hỏi, làm chủ được công nghệ.

Đây là nền tảng rất tốt để chuyển sang tự sản xuất. Bên cạnh đó, hiện nay, các công ty gia công phần mềm của Việt Nam ngày nay đang dần chuyển hướng tự sản xuất, xây dựng thương hiệu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn sau một thời gian tích lũy tư bản, hiện đã đủ nguồn lực để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, trở thành các trụ cột chính để thúc đẩy hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Để “Make in Vietnam” được triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong xã hội, là động lực thúc đẩy sáng tạo, thiết kế, phát triển và sản xuất trong nước, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện cho thử nghiệm sản phẩm ứng dụng công nghệ mới trong môi trường ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm mới. Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025 cho các đề án, dự án đầu tư phát triển hạ tầng số, các nền tảng (platform) để tạo tiền đề và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần ban hành các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực công nghiệp công nghệ, tiếp tục cho phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung làm nơi sản sinh ra các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ mới.

Để thúc đẩy sư phát triển của doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, góp phần sớm hiện thực hóa thông điệp “Make in Vietnam”, đại diện nhiều doanh nghiệp đề xuất vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng tạo môi trường cho phép đầu tư nghiên cứu phát triển nhiều hơn; cơ chế trả lương cạnh tranh cho đội ngũ nghiên cứu phát triển, tạo nguồn lực đủ năng lực trình độ,nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC đề xuất: Để "Make in Vietnam" thành công, Nhà nước cần có lộ trình, chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.

Các sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước cần được hỗ trợ  bằng việc xây dựng hàng rào phi thuế quan, hạn chế hàng nhập khẩu. Song song với đó là việc đẩy mạnh truyền thông giúp người tiêu dùng hiểu đúng về khả năng phát triển sản phẩm công nghệ trong nước.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu trở thành một trong số những quốc đi đầu trong công nghệ mới. Khi các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nỗ lực hành động theo theo khẩu hiệu “Make in Viet Nam - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”, mục tiêu trở thành một quốc gia công nghệ hùng cường của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.