Ngày 31-3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ Quý I/2021 để thông tin về hoạt động của Bộ và trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm. Nổi bật là các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng chính sách pháp luật; đẩy mạnh các nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...
Covivac là vaccine thứ 2 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vaccine Nanocovax. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN |
Đẩy mạnh các nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mai Dương cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch, các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vaccine. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào các nhóm nội dung: Cung cấp thông tin khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật kịp thời phục vụ hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19; chủ động bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine; triển khai các giải pháp cụ thể trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19...
Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine trong tình trạng an toàn, nhanh nhất và hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các đơn vị tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19. Trong đó, vaccine NanoCovax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược (Nanogen) đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2 và dự kiến đầu tháng 5-2021 sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Nếu thuận lợi, tháng 8-2021 sẽ hoàn thành tiêm và đánh giá kết quả trên khoảng 1.000 người. Kết quả tiêm thử nghiệm an toàn, hiệu quả, dự kiến cuối quý III/2021 vaccine này có thể được cấp phép. Vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4-2021.
Hiện nay, thử nghiệm lâm sàng của cả ba vaccine do Việt Nam sản xuất đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. Kết quả bước đầu này có được, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine của Việt Nam rất có kinh nghiệm. Đồng thời, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vaccine uy tín trên thế giới. Hy vọng vào cuối quý III/2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”: Hoàn thiện platform nền tảng, đang cập nhật dữ liệu cho các dự án: Nhân đạo số (inhandao.vn), Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn), Bách khoa toàn thư mở (bktt.vn), Bản đồ an toàn Covid-19 (antoancovid.vn), Giáo dục số (igiaoduc.vn); hiện đang hoàn thiện platform các dự án: Dinh dưỡng số, Văn hóa số, Dược thư số, Công nghệ tiếng nói…
Đẩy mạnh hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Bộ đang phối hợp với VinBigData, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số đơn vị liên quan, nghiên cứu xây dựng hệ thống Dữ liệu mở về khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ BigData phục vụ cộng đồng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tận dụng nền tảng công nghệ, dữ liệu và nguồn nhân lực hỗ trợ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Bộ tích cực, chủ động tham gia đóng góp và nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, diễn đàn song phương và đa phương như ASEAN, APEC, APO, ASEM, IAEA, UNESCO, WIPO, hợp tác khu vực và tiểu vùng Mê Công. Bộ Khoa học- Công nghệ tổ chức các buổi làm việc trực tuyến và trực tiếp với các đối tác nước ngoài: tổ chức họp định kỳ trực tuyến về đối thoại chính sách giữa Bộ và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF); làm việc với Đại sứ quán Italy chuẩn bị nội dung cho sự kiện Springer Publication Event vào thời gian tới.
Liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Theo đó, Quyết định số 188/QĐ-TTg có những sửa đổi về mục tiêu, cụ thể là trong chính sách thúc đẩy hệ thống các Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách hình thành và phát triển mạng lưới kết nối khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia quy mô quốc tế. Đề án đưa ra mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm Đổi mới sáng tạo, trong đó có Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng về khởi nghiệp sáng tạo.
Xây dựng nhiều chính sách pháp luật
Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mai Dương cho biết: Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ; xây dựng Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-01-2021 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chiến lược, nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030; tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ...
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11-1-2021 về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 108/2021/QĐ-TTg ngày 22-01-2021 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 25-01-2021 ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26-1-2021 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27-01-2021 ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1-2-2021 ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04-02-2021 ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030; Nghị định số 19/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ...
Quý II/2021 diễn ra nhiều hoạt động
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết: Theo kế hoạch, trong Quý II/2021, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức các sự kiện: Chuỗi sự kiện kỷ niệm hoạt động Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5; Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Lễ trao Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ; Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2019-2020; Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Bộ tổ chức các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6; tổ chức các Khóa họp Ủy ban, Tiểu ban, Tổ công tác hợp tác về khoa học và công nghệ với các đối tác như: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Úc…
Theo Baotintuc.vn