Vrfairs - Giải pháp cho nền kinh tế không tiếp xúc

.

Giải pháp VrFairs - Nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo của chàng trai Đà Nẵng Trịnh Công Quang (SN 1992, trú quận Sơn Trà) lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (VietSolutions).

Hình ảnh mô phỏng tham gia hội chợ, triển lãm ảo do Vrfairs xây dựng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hình ảnh mô phỏng tham gia hội chợ, triển lãm ảo do Vrfairs xây dựng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Theo thông tin từ ban tổ chức cuộc thi, trong số 257 hồ sơ gửi về từ 8 quốc gia trên thế giới, VrFairs vinh dự góp mặt trong top 10 đội thi xuất sắc vượt qua vòng sơ loại và đấu loại để tiến đến chung kết. Việc lọt vào top 10 đồng nghĩa với giải pháp VrFairs - Nền tảng tổ chức triển lãm và hội chợ thực tế ảo đã chính thức được công nhận là Giải pháp chuyển đổi số quốc gia.

VietSolutions 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Tập đoàn Viettel tổ chức với thông điệp “Cộng hưởng để kiến tạo xã hội số”. Trịnh Công Quang phấn khởi chia sẻ, việc lọt vào vòng chung kết đã khẳng định VrFairs là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết các bài toán thực tế của xã hội hiện nay, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh Covid-19 phức tạp trên toàn cầu. Giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia mô hình “kinh tế không chạm” hậu Covid-19.

Dịch bệnh đã làm thay đổi cách chúng ta sống, giải trí, học tập và làm việc, các hoạt động truyền thống không còn phù hợp cùng với xu hướng chuyển đổi số toàn diện. VrFairs là nền tảng chuyển đổi số hoạt động triển lãm, hội chợ, sự kiện trên không gian mạng ứng dụng các công nghệ: VR, AR, AI, 3D và Blockchain.

Giải pháp này cung cấp công cụ cho phép tương tác nhóm và tương tác 1:1 giữa các bên tham gia như: chat, video call, live-stream, webinar… với vrFairs Meet hoặc Zoom, Gmeet. Ngoài ra, nền tảng này còn cung cấp công cụ đăng tải nội dung số như: tài liệu, hình ảnh, video, website… dưới tất cả các định dạng thông dụng từ bất cứ nguồn lưu trữ nào.

Thực tế, suốt thời gian qua, nhiều hoạt động giao thương không thể tổ chức trực tiếp do dịch bệnh, trong khi đó, doanh nghiệp luôn có nhu cầu mở rộng khách hàng, đối tượng tham dự các triển lãm, hội chợ, hội nghị… Với nền tảng này, mọi hoạt động hội chợ triển lãm được ảo hóa, nhà tổ chức sự kiện, công ty tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm và người tham quan chỉ cần ngồi tại nhà với 1 thiết bị có kết nối mạng thì đã có thể tham gia một sự kiện kết nối, giao thương hoàn toàn không tiếp xúc.

“Không chỉ tham gia một cách bị động mà với nền tảng này, người tham gia có thể tương tác với ban tổ chức, đối tác, khách hàng khác trên toàn cầu thông qua tài liệu trực tuyến, hội nghị truyền hình, live-stream, chat, video call; tham quan khu triển lãm - nơi đặt các gian hàng và di chuyển xung quanh để khám phá hoặc sử dụng danh sách để di chuyển nhanh đến các gian hàng, có tích hợp bản đồ để điều hướng. Người tham gia cũng có thể ghé thăm gian hàng để xem thông tin, đánh giá gian hàng, đặt lịch họp, mua sản phẩm, đặt lịch họp, liên hệ với gian hàng”, Quang giải thích thêm.

TS Trịnh Công Duy (giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm Phần mềm Đại học Đà Nẵng) - cố vấn của đội đánh giá: “Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực, cuộc khủng này đã dẫn đến sự trỗi dậy của một nền kinh tế mới - nền kinh tế không tiếp xúc. Giải pháp Vrfairs - kết nối mọi người với một trải nghiệm hoàn toàn mới, cho phép tổ chức trực tuyến các hội nghị, triển lãm thương mại, hội chợ nghề nghiệp và nhiều sự kiện khác; thông qua sự hỗ trợ đầy tiềm năng của công nghệ thực tế ảo, Vrfairs đem đến lượng tiếp cận và tương tác lớn hơn bao giờ hết. Theo một số nghiên cứu, khách hàng sẽ có sự phân hóa trong nền kinh tế không tiếp xúc với 4 phân khúc khác nhau, bao gồm: phân khúc trải nghiệm mua sắm thực tế ảo; nhóm khách hàng muốn mua sắm trực tiếp, nhưng không tiếp xúc; mua sắm qua sàn thương mại điện tử; nhóm khách hàng muốn trải nghiệm ảo và không cần rời khỏi nhà. Giải pháp vrFairs là một trong số ít giải pháp công nghệ của Việt Nam sẵn sàng đón đầu cơ hội của nền kinh tế không tiếp xúc mang lại”.

Công ty TNHH Giải pháp chuyển đổi số (quận Hải Châu) được Trịnh Công Quang thành lập vào đầu năm 2019. Hiện công ty của anh đã xây dựng một đơn vị trực thuộc mang tên VR360 nhằm cung cấp giải pháp quảng bá hình ảnh toàn diện cho doanh nghiệp thông qua các công nghệ như thực tế ảo, bản đồ 4 chiều... và được Vườn ươm Doanh nghiệp thành phố ươm tạo.

Trong số các sản phẩm của VR360, sản phẩm triển lãm thực tế ảo VrFairs được Sở Khoa học và Công nghệ lựa chọn làm nền tảng tổ chức trực tuyến cho hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng SURF 2020. Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các hoạt động triển lãm hội chợ gần như đình trệ trong mấy năm gần đây, do đó, giải pháp này sẽ là nền tảng rất tốt để các doanh nghiệp khởi động lại các hoạt động kết nối giao thương, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đón đầu xu hướng của nền kinh tế không tiếp xúc trong thời gian đến.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích