Công nghệ

Internet Việt Nam cần được phát triển nhanh, hiện đại, bền vững

16:07, 24/06/2022 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 24-6, phát biểu tại hội thảo VNNIC Internet Conference 2022 có chủ đề “Tương lai của internet” do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, Việt Nam cần phát triển internet nhanh, hiện đại, bền vững; thu hẹp khoảng cách số, phổ cập đến toàn bộ người dân trên môi trường số để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo VNNIC Internet Conference 2022 có chủ đề “Tương lai của internet”. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, năm 2022 là năm kỷ niệm 25 năm internet Việt Nam, 10 năm thế giới chính thức chuyển đổi địa chỉ internet sang IPv6. Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ sử dụng internet đạt 70,3% và trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Việt Nam đã mạnh dạn đi sớm cùng nhịp với các nước phát triển, thực hiện thành công quá trình chuyển đổi địa chỉ internet sang IPv6 với tỷ lệ người dùng truy cập, sử dụng IPv6 đạt 50%.

Do vậy, các tổ chức, doanh nghiệp kết nối, hợp tác để giải quyết những “bài toán lớn” hướng đến phát triển mạnh mẽ internet tại Việt Nam trong tương lai là hạ tầng chính kiến tạo xã hội số an toàn, hiện đại, nhân văn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng mạng lõi internet Việt Nam và phát triển mạng internet trong nước; mở rộng kết nối internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển internet (IXP) cũng như tới trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX); mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế.

Đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; chuyển đổi toàn bộ địa chỉ internet Việt Nam sang IPv6...

Sự thay đổi của công nghệ, các giao thức internet mới cũng làm nảy sinh các vấn đề quản lý cần giải quyết, vì thế, cần có các hành lang pháp lý sửa đổi, xây dựng mới để tạo không gian phát triển, điều chỉnh các hành vi mới phù hợp và đòi hỏi sự nhạy bén, chuyển mình của các tổ chức, doanh nghiệp cùng sự định hướng của Chính phủ và sự hợp tác, chung tay của cộng đồng internet Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo VNNIC Internet Conference 2022 có chủ đề “Tương lai của internet”. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh hội thảo VNNIC Internet Conference 2022, chủ đề “Tương lai của internet”. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia tại các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, internet; các giảng viên, sinh viên; các chuyên gia quốc tế hàng đầu về internet...

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ thông tin đã chia sẻ, thảo luận các chuyên đề về chuyển đổi IPv6 tại các cơ quan Nhà nước; dịch vụ số và nền tảng số gắn với hoạt động ra mắt nhận diện thương hiệu quốc gia “.vn”; hạ tầng internet và an toàn định tuyến.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Sơn Phong chia sẻ các thông tin, kết quả về việc chuyển đổi sang IPv6 tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; giải pháp xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số; định hướng phát triển hạ tầng số của Đà Nẵng...

HOÀNG HIỆP

.