Công nghệ

Chế tạo thành công máy kiểm tra trứng gà

07:04, 19/09/2022 (GMT+7)

Nhóm sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vừa nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống kiểm tra trứng gà hư hỏng, giúp tiết kiệm sức lao động và tăng năng xuất phân loại trứng.

Ý tưởng để nghiên cứu, chế tạo hệ thống này xuất phát từ mong muốn giúp bố mẹ đỡ vất vả của Trương Tấn Hưng (Trưởng nhóm nghiên cứu, cựu sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa). “Gia đình em có ấp nuôi gà giống bán.

Từ trước đến nay, bố mẹ luôn phải mày mò thủ công để soi từng quả trứng, rất vất vả và mất nhiều thời gian để lựa ra được những mẻ trứng ấp đạt chất lượng.

Vì vậy, em muốn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào công việc ấp trứng để giúp cho bố mẹ cũng như những người chăn nuôi gia cầm khác đỡ vất vả. Em cảm thấy rất vui vì khi mạnh dạn đăng ký đề tài cho đồ án tốt nghiệp và nhận được sự hỗ trợ của thầy cô và bạn bè”, Hưng tâm sự.

Theo Hưng, hệ thống kiểm tra trứng gà hư hỏng ứng dụng công nghệ xử lý ảnh và machine learning (máy học - ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI). Hệ thống này tự động hóa quá trình phân loại trứng với số lượng lớn với khả năng kiểm tra 100 trứng trong vòng 10 giây.

Ngoài ra, hệ thống có thể tổng hợp dữ liệu sau khi phân loại để lưu trữ và phân tích, từ đó hỗ trợ người dùng đưa ra các quyết định. Hệ thống này gồm 6 phần chính: băng tải vận chuyển vỉ trứng; cụm di chuyển camera; cụm đánh dấu lên trứng; cụm đèn soi sáng; phần khung máy và cuối cùng là mạch điều khiển. Hệ thống được điều khiển bằng máy tính qua giao thức UART.

Kết quả đạt được là nỗ lực không ngừng nghỉ của nhóm nghiên cứu trong 4  tháng (tháng 11-2021 đến 3-2022). Đây là khoảng thời gian Covid-19 được kiểm soát tốt, tuy nhiên quá trình tìm vật liệu chế tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là các linh kiện điện tử có yêu cầu độ chính xác cao như vi mạch, camera,…

Bên cạnh đó, hệ thống được thực hiện tại nhà trọ của một thành viên trong nhóm nên phải thuê đơn vị bên ngoài làm theo bản vẽ nhóm đã thiết kế. “Thi công mạch điều khiển cho hệ thống là quá trình khó khăn nhất mà nhóm phải vượt qua. Nhóm phải thiết kế nhiều lần để tạo ra mạch điều khiển ổn định và hiệu quả nhất”, Hưng chia sẻ.

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, hệ thống ứng dụng khi đưa  vào thực tế bước đầu áp dụng ở quy mô hộ gia đình với độ chính xác là hơn 90%, giảm thời gian lao động hơn 50%. Trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên, Tiến sĩ Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, Trường Đại học Bách khoa, đánh giá đề tài hệ thống kiểm tra trứng gà hư hỏng rất tiềm năng và được nhà trường hỗ trợ 15 triệu đồng để hoàn thiện sản phẩm.

“Nhóm sinh viên làm việc rất tích cực, năng nổ, chịu khó tìm tòi, tham khảo các tài liệu chuyên ngành, đặc biệt là các bài báo khoa học về lĩnh vực xử lý hình ảnh để nhận biết trứng gà hư hỏng. Các em rất sáng tạo trong quá trình thiết kế, chế tạo hệ thống từ phần cơ khí, điện tử đến xử lý ảnh chụp để phân biệt được trứng gà có con hay không. Đề tài của nhóm sinh viên được thầy cô, bạn bè đánh giá cao với kết quả thử nghiệm thực tế khá tốt”, Tiến sĩ Võ Như Thành cho biết.

Với những kết quả đạt được, hệ thống kiểm tra trứng gà hư hỏng là 1 trong 5 đề tài tiềm năng của Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm học 2021-2022 và đã đoạt giải Ba tại cuộc thi nghiên cứu khoa học của khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa Đà Nẵng; giải Nhì - Giải công nghệ tại cuộc thi Bách khoa TechShow 2022.

XUÂN HẬU

.