Công nghệ
Khai mạc Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022
Sáng 11-10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai mạc Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week – VIDW2022) với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững" (Global Partnership for the suitaible digital furure).
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc. Ảnh: Minh Quyết /TTXVN |
Sự kiện thu hút trên 350 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đây là dịp để các bên liên quan tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển thị trường.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng chào mừng các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022. Bộ trưởng chia sẻ: Cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử và cũng là thách thức với nhân loại. Chuyển đổi số cũng sẽ là nội dung chính trong Tuần lễ Số quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Sáng kiến này sẽ được duy trì để trở thành hoạt động thường niên của các nước ASEAN; các bên liên quan sẽ cùng trao đổi về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập đến 5G như là một cú hích lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Di động và băng rộng vẫn là chủ đề chính của viễn thông. Công nghệ số muốn phát huy luôn cần hạ tầng số, đó là công nghệ 5G, điện toán đám mây. Hợp tác số giữa các nước ASEAN sẽ góp phần để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện "One ASEAN", chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Do đó, Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và nhiều nước khác...
Sau phần khai mạc, trong phiên họp toàn thể, cơ quan hoạch định chính sách của các nước đã chia sẻ chiến lược, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển số, kinh nghiệm quản lý và đo lường kinh tế số; ưu tiên trong việc xây dựng và thiết lập quan hệ đối tác số với Việt Nam và khu vực.
Ông Jesús lavina, Phó trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam chia sẻ, mọi người dân, doanh nghiệp đều có quyền nắm bắt một tương lai số thịnh vượng, bền vững, lấy con người làm trung tâm trong bối cảnh toàn cầu. Một số mục tiêu mà Liên minh châu Âu hướng đến là trang bị kỹ năng số cho tối thiểu 80% dân số; các dịch vụ công đạt 100% trực tuyến; 100% hồ sơ y tế số phục vụ y tế điện tử và 80% công dân có định danh số. Để tăng cường hợp tác và kết nối trong thế giới số, ông Jesús lavina nhấn mạnh đến hạ tầng số với các yếu tố quan trọng như kết nối 5G cho mọi người ở mọi nơi, công nghệ bán dẫn tiên tiến, dữ liệu kết nối với điện toán đám mây và máy tính có gia tốc lượng tử. Trong thế giới số, vấn đề quyền công dân số cần được quan tâm cùng với quyền truy cập mạng lưới, hệ thống dịch vụ internet, giáo dục kỹ năng số, bảo vệ trên môi trường mạng, nguyên tắc đạo đức…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược về kinh tế số và xã hội số của nước ta. Trong đó, Chính phủ số nhằm chuyển đổi cách thức phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân. Kinh tế số sẽ góp phần đưa Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao năm 2045. Xã hội số với những chính sách an sinh xã hội thuận lợi, xã hội toàn diện, văn minh an toàn vì hành phúc của người dân.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào chia sẻ các quan điểm về đối tác số, hợp tác để thúc đẩy tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực ASEAN. Đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ về xã hội số 5.0 và đối tác số. Bộ Khoa học và Truyền thông Hàn Quốc tham luận liên quan đến chính sách mới về thỏa thuận số và quan hệ đối tác số. ..
Trong khuôn khổ Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-14-10, một số hoạt động được tổ chức: Hội nghị ASEAN về 5G, Diễn đàn chuyển đổi số vì một xã hội số mở rộng; các phiên hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp, sản xuất thông minh, phát triển kết nối số hướng đến quan hệ đối tác số; Diễn đàn kỹ năng số cho cộng đồng, tọa đàm "Why Vietnam 2022" với chủ đề kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế...
Theo TTXVN