Công nghệ

Ứng dụng ở ngành giao thông vận tải

06:24, 19/10/2022 (GMT+7)

Nhiều năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng được đánh giá là một trong các đơn vị dẫn đầu khối sở, ngành của thành phố về ứng dụng công nghệ thông tin; qua đó đóng góp đáng kể vào quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành cũng như tham gia xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Bộ phận “Một cửa” tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của Sở Giao thông vận tải là các ứng dụng số. Ảnh: THÀNH LÂN
Bộ phận “Một cửa” tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của Sở Giao thông vận tải là các ứng dụng số. Ảnh: THÀNH LÂN

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Bùi Hồng Trung, để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, trước hết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Về cơ bản, đến nay, việc xử lý hồ sơ, giải quyết công việc của sở đều được thực hiện trên môi trường điện tử; 100% văn bản đến, đi, hồ sơ một cửa đều được xử lý trên các hệ thống phần mềm cùng với ứng dụng chữ ký số.

Với các hệ thống phần mềm tập trung, công tác tra cứu, theo dõi hồ sơ, tìm kiếm văn bản, tài liệu qua các năm được thuận lợi hơn nhiều so với lưu trữ hồ sơ giấy như trước, từ đó công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ yêu cầu. Qua thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của sở đạt gần 80%, vượt chỉ tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 của thành phố (là 50%)... Đây là bước chuyển biến cơ bản đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi công tác quản lý, điều hành của ngành, đáp ứng được nhu cầu giải quyết công việc trong giai đoạn tinh giảm biên chế hiện nay.

Hiện, Sở GTVT đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cũng như trên cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố về các dịch vụ như: cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô-tô; cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu ô-tô kinh doanh vận tải... Về cơ bản, hiện sở đã triển khai trực tuyến cho hầu hết các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền. Hiện nay, chỉ còn một số thủ tục về cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe là chưa triển khai trực tuyến mức độ 4 do triển khai theo lộ trình của Bộ GTVT.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp cho biết, phần lớn các doanh nghiệp đồng thuận và hưởng lợi ích trực tiếp qua việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực GTVT như: cấp phép lưu hành xe, cấp phép phù hiệu, cũng như kết nối với cơ quan thuế, triển khai thu phí không dừng, vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử…

Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo hiệu quả

Anh Trần Văn Tám, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà chia sẻ, chúng tôi rất hài lòng với dịch vụ công của Sở GTVT, bởi trước khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến qua mạng, người dân được cán bộ sở hỗ trợ một cách nhiệt tình, thông qua các phần mềm điều khiển máy tính từ xa (ultraview, teamview). Chuyên viên sở hướng dẫn trực tiếp các trình tự, thao tác nộp hồ sơ trực tuyến lần đầu cho người dân và doanh nghiệp.

Tương tự, anh Lê Hữu Hiệp, lái xe taxi ở quận Cẩm Lệ cho biết, hiện có nhiều lĩnh vực đã áp dụng chuyển đổi số như: hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông có tác dụng giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông tại các nút giao; hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông, tự động nhận dạng các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); ngoài ra, các xe buýt đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thông tin về xe buýt cũng được sở cung cấp cho người dân thông qua các kênh ứng dụng di động Danabus... Cùng với đó, là hệ thống giám sát giao thông thông minh; hệ thống hỗ trợ người dân lựa chọn vị trí đỗ xe và thanh toán phí đậu đỗ xe qua mạng... nên hỗ trợ nhiều tiện ích cho người dân.

“Đến nay, Sở đã xây dựng và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đủ điều kiện triển khai trực tuyến, niêm yết đầy đủ bộ thủ tục hành chính đã được công bố của sở theo từng lĩnh vực cụ thể tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, công khai trên Trang thông tin điện tử, tạo các chuyên mục, thường xuyên cập nhật, thông báo đầy đủ các văn bản, hướng dẫn, triển khai liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến để các tổ chức, công dân có nhu cầu có thể dễ đang tra cứu, thực hiện.

Sở GTVT đã hoàn thành công tác chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời cũng phối hợp các đơn vị liên quan cập nhật đầy đủ thông tin dữ liệu trên cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố và cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định”,  Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung nói.

Được biết, để triển khai thành công và đi đầu trong công tác chuyển đổi số, ngành GTVT luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của quốc gia, Bộ GTVT và thành phố, kịp thời tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành ủy liên quan đến cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số, hướng đến xây dựng thành phố thông minh.

Sở GTVT cũng kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch Chuyển đổi số của ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát động và tổ chức thực hiện thi đua chuyển đổi số trong toàn ngành.

Đồng thời, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình, phân công cụ thể phòng, ban, đơn vị chủ trì, phối hợp làm cơ sở để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng, phát triển dữ liệu số, xác định dữ liệu, cơ sở dữ liệu là nền tảng trong quá trình chuyển đổi số của ngành. Bên cạnh đó, không ngừng nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, xây các hệ thống thông minh phục vụ công tác quản lý, điều hành...

THÀNH LÂN

.