Công nghệ
Hệ thống Starlink của tỉ phú Elon Musk đã thay đổi cuộc xung đột ở Ukraine ra sao?
Được ví như một trong những "kỳ quan bên ngoài thế giới", hệ thống Starlink có 3.335 vệ tinh đang hoạt động, chiếm một nửa tổng số vệ tinh của cả thế giới. Trong 6 tháng qua, cứ mỗi tuần, trên 20 vệ tinh mới được phóng lên vũ trụ.
Binh sĩ Ukraine lắp đặt thiết bị Starlink. Ảnh: Reuters |
Space X, công ty đã phát triển Starlink, đang cung cấp mạng vệ tinh với khả năng truy cập Internet tốc độ cao cho người dùng ở 45 quốc gia, với ít nhất1 triệu người đăng ký. Và phần lớn lượng truy cập mạng vệ tinh này ở Ukraine. Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Starlink đã trở thành một phần không thể thiếu đối với lực lượng Kiev.
Không chỉ cho phép Ukraine phản công, vệ tinh vũ trụ của người sáng lập SpaceX, Elon Musk, còn định hình phương thức tác chiến, mang lại cho Kiev những lợi thế cần thiết trong cuộc xung đột vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Hai ngày sau khi Nga đưa quân tới Ukraine, vào 26-2, Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov, cũng là Bộ trưởng kỹ thuật số Ukraine, đã nhắn tin trực tiếp cho Elon Musk, yêu cầu ông khẩn cấp gửi thiết bị Starlink đến nước này. Rất nhanh chóng, chỉ hai ngày sau, lô hàng đầu tiên đã tới nơi.
Đến tháng 5, mỗi ngày có 150.000 người kết nối vào hệ thống. Chính phủ Ukraine nhanh chóng dựa vào Starlink để làm truyền thông, kể cả việc truyền tải các thông điệp của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Do gọn nhẹ, dễ di chuyển và lắp đặt, Starlink đã trở nên vô cùng hữu ích tại một đất nước mà mạng lưới điện và thông tin liên lạc thường xuyên bị phá huỷ bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa. Khi Nga rút quân khỏi Kherson vào tháng 11-2022, nhờ Starlink mà các dịch vụ điện thoại và Internet đã hoạt động trở lại chỉ trong vài ngày.
Điều quan trọng, Starlink đã trở thành “xương sống” của hệ thống tích hợp C4ISR (hệ thống tích hợp chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) của Quân đội Ukraine. Quân đội của các quốc gia khác cũng thường phải dựa vào các kết nối vệ tinh để thực hiện các nhiệm vụ này.
Binh sĩ Ukraine mở hộp thiết bị Starlink hồi tháng 7. Ảnh: Newsy. |
Theo các báo cáo tình báo, chỉ một giờ trước khi quân đội Nga tiến hành chiến dịch tổng lực vào rạng sáng ngày 24-2, Điện Kremlin đã tấn công thành công Viasat, nhà cung cấp vệ tinh được quân đội Ukraine sử dụng để liên lạc với lực lượng tiền tuyến. Cuộc tấn công mạng này làm tê liệt hệ thống liên lạc quân sự của Ukraine và ảnh hưởng tới hàng nghìn người dùng Internet khác trên khắp châu Âu. Song, những hệ thống mà Nga tấn công được cho là kém tiên tiến hơn nhiều so với hệ thống mà Ukraine đang sở hữu ngày nay.
Starlink không chỉ giúp các nhà lãnh đạo quân sự của Ukraine kết nối Internet, nhiều tài liệu quan trọng cũng được truyền đi qua hệ thống này. Điều này là do khả năng đặc biệt của hệ thống Starlink. Hầu hết các liên lạc vệ tinh thườngsử dụng các vệ tinh lớn đặt ở vị trí quỹ đạo lên tới 36.000 km. Ở độ cao như vậy, vệ tinh dường như đứng yên trên bầu trời và lượng băng thông mà nó có thể phân bổ cho người dùng thường khá hạn chế.
Còn với Starlink, nhờ đặt ở quỹ đạo thấp - khoảng 550km, với các vệ tinh nhỏ hơn nhiều của Starlink, thời gian truyền tín hiệu vô tuyến nhanh hơn nhiều. Do đó, các binh sĩ Ukraine có thể tải những hình ảnh của mục tiêu thông qua mạng di động, gửi đến một nhóm mã hóa để tiến hành nhiều nhiệm vụ, như điều khiển hoả lực pháo binh.
Ông Franz-Stefan Gady tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, gần đây đã đến thăm tiền tuyến của Ukraine và thấy một minh chứng về khả năng kết nối phổ biến, giá rẻ của Starlink. Các binh sĩ Ukraine tải lên hình ảnh của các mục tiêu thông qua mạng di động do Starlink kích hoạt. Chúng được gửi đến một cuộc trò chuyện nhóm được mã hóa có đầy đủ các chỉ huy pháo binh. Sau đó, những người chỉ huy đó quyết định có nên bắn phá mục tiêu hay không và nếu có thì từ đâu. Nó nhanh hơn nhiều so với các phương tiện được sử dụng để điều phối hỏa lực được sử dụng cho đến thời điểm hiện tại.
Thiết bị thu tín hiệu Starlink hình chữ nhật được đặt dưới một hố đất, gần thị trấn Izyum, vùng Kharkiv vào tháng 5. Ảnh: Politico |
Hệ thống này cũng giúp cuộc chiến bằng máy bay không người lái (UAV) dễ dàng hơn nhiều. Hồi tháng 9-2022, một chiêc UAV của Hải quân Ukraine đã dạt vào Sevastopol, trụ sở ở Crimea của Hạm đội Biển Đen của Nga kèm với vật thể thứ trông giống như một thiết bị thu tín hiệu Starlink gắn ở đuôi. Đến cuối tháng 10-2022, 7 chiếc UAV tương tự đã được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công thành công vào cảng này.
Ông Gady cho biết: “Các hoạt động quân sự của Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào việc truy cập Internet. Vì vậy, Starlink cung cấp khả năng kết nối quan trọng”.
Một binh sĩ Ukraine chia sẻ rõ hơn: “Starlink là ôxy của chúng tôi. Nếu nó biến mất, quân đội của chúng tôi sẽ sụp đổ trong hỗn loạn”.
Loại kết nối này là điều mà chưa từng có lực lượng quân đội nào trước đây được tiếp cận. Quân đội phương Tây chiến đấu ở Afghanistan và Iraq cũng quyền truy cập vào một số luồng dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, hầu hết rất khó khăn để đưa thông tin đó đến nơi cần thiết một cách kịp thời. Còn ở Ukraine ngày nay, các binh sĩ có thể tự truy cập nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ UAV.
Ngoài ra, vệ tinh quỹ đạo thấp mới dựa vào nhiều vệ tinh hoạt động trong một chùm. Cấu hình đó khiến việc làm vô hiệu hoá chúng trở nên khó khăn hơn, nếu không muốn nói là không thể, vì kẻ tấn công sẽ phải xác định chính xác tất cả các vệ tinh cùng một lúc, để làm tê liệt toàn bộ hệ thống.
Do đó, dù các lực lượng vũ trang Nga có rất nhiều thiết bị tác chiến điện tử có thể xác định vị trí, gây nhiễu hoặc phát tín hiệu vô tuyến giả. Nhưng tín hiệu Starlink mạnh hơn so với tín hiệu từ các vệ tinh bay cao hơn, khiến việc gây nhiễu chúng khó khăn hơn.
Ông Thomas Withington, chuyên gia về thông tin liên lạc chiến trường cho biết: “Trừ khi bạn có thể xác định rõ nơi phát ra chùm tín hiệu đó, còn không thì rất khó để đưa tín hiệu gây nhiễu vào bộ thu”.
Khi tín hiệu đó không thể bị gây nhiễu, hệ thống có thể bị tấn công. Vào tháng 9, phái đoàn Nga tới một nhóm làm việc của Liên hợp quốc về an ninh vũ trụ cho rằng dù Starlink trên danh nghĩa là một hệ thống dân sự, song nó có thể được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp theo luật nhân đạo quốc tế. Theo giới chuyên gia, đây có lẽ là một đánh giá công bằng.
Tuy nhiên, SpaceX vẫn đang hạn chế không kích hoạt Starlink tại những khu vực do Nga kiểm soát - một quyền lực hiếm hoi đối với một công ty thương mại.
Theo baotintuc.vn