Công nghệ

Thị trường nhân lực đầu năm 2023: Lĩnh vực công nghệ được săn đón

14:00, 14/02/2023 (GMT+7)

Sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) thời điểm đầu năm 2023 đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi thị trường suy giảm, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn... Tuy nhiên, tác động từ công cuộc chuyển đổi số, phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo (Al) tạo cơ hội phát triển ngành CNTT, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thu hút nguồn lực.

Các lĩnh vực công nghệ mới được kỳ vọng sẽ định hình lại thị trường công nghệ trong năm 2023. Ảnh: C.T
Các lĩnh vực công nghệ mới được kỳ vọng sẽ định hình lại thị trường công nghệ trong năm 2023. Ảnh: C.T

Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật An ninh mạng Việt Pháp (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) Hoàng Thị Nhi cho hay, trước đây chị làm lập trình viên cho một doanh nghiệp có tiếng ở nước ngoài, nhưng sau đó bị yêu cầu nghỉ việc để cắt giảm nhân sự trong quý 1-2017.

Nhận thấy nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn trong việc tìm kiếm những giải pháp an ninh mạng và máy tính, bảo mật hệ thống, lưu trữ đám mây... nên chị đã thành lập và phát triển đội ngũ gồm 10 người nhằm giúp các doanh nghiệp “tháo gỡ” những vấn đề đang gặp phải vào thời điểm cuối năm 2018.

“Năm 2022, số lượng doanh nghiệp tìm tới và đặt hàng các dịch vụ của chúng tôi đã tăng 20-25% so với năm trước đó; đồng thời, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2018. Chủ yếu các đơn hàng đến từ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực dịch vụ, xây dựng, lữ hành, du lịch... trên địa bàn thành phố”, chị Nhi nói.

Việc các doanh nghiệp ngành CNTT luôn thu hút nguồn nhân lực đã tác động lớn đến việc định hướng nghề nghiệp tạo cơ hội các trường học, cơ sở đào tạo thu hút học viên. Ông Trịnh Công Duy, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Phần mềm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, việc doanh nghiệp đặt hàng nhân lực từ các trường, cơ sở giáo dục đã dần phổ biến để nhằm tìm được nguồn chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong công việc.

“Cụ thể, các doanh nghiệp đặt hàng mạnh ở các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, mạng và an toàn thông tin, quản trị logistics, chuỗi cung ứng số, tài chính số, Digital Marketing... khiến đầu ra của các trung tâm, cơ sở giáo dục luôn đạt tỷ lệ rất cao. Điều này được thấy rõ khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu vực đặt hàng trước nhân lực ở những lĩnh vực này, tiêu biểu như Công ty CP công nghệ FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel... đã góp phần tạo nên một xu thế mới trong việc tuyển dụng, đào tạo theo hướng ứng dụng phù hợp với doanh nghiệp”, ông Duy trao đổi.

Qua tìm hiểu tại nhiều doanh nghiệp CNTT, các vị trí việc làm được tuyển dụng tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến phần mềm, bảo mật và lưu trữ dữ liệu. Ông Nguyễn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH phần mềm Việt Đà (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho biết, doanh nghiệp ông đang làm trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp các sản phẩm kế toán.

Lượng đặt hàng các sản phẩm, dự án đang ngày càng tăng lên, đòi hỏi doanh nghiệp của ông phải tuyển thêm nhân lực trong lĩnh vực phát triển phần mềm để đáp ứng nhu cầu hiện nay. “Đợt này, tôi dự định tuyển thêm 5 vị trí lập trình viên xây dựng cơ sở dữ liệu với mức lương thử việc trong 3 tháng đầu từ 10-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để tìm được đủ số lượng nhân sự đáp ứng các dự án mới là khó khi các doanh nghiệp trong và ngoài ngành công nghệ đang phải cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay”, ông Hậu thông tin.

Bà Trần Như Hoài, Tổng Giám đốc Công ty CP Nal Solutions (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) chia sẻ, công ty đang cần tuyển nguồn nhân sự mới để xây dựng, nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực điện toán đám mây. Lĩnh vực này đang được nhiều doanh nghiệp nhắm tới, nên việc tuyển dụng không dễ.

“Với mỗi sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm trên địa bàn khi ra trường đã được nhiều doanh nghiệp nhắm tới, mời về. Với những chính sách, đãi ngộ tốt thì các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài luôn chiếm ưu thế tạo nên sự cạnh tranh giữa một bên là doanh nghiệp địa phương, bên khác là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài”, bà Hoài cho biết.

Ông Trần Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin Đà Nẵng cho hay, năm 2023, những lĩnh vực liên quan đến phần mềm, hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu bảo mật, dữ liệu đám mây dần trở thành xu hướng của ngành công nghệ thông tin trong giai đoạn bùng nổ các vấn đề, yêu cầu từ xu thế chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, các kỹ sư tự động hóa quá trình lập trình và chuyển giao phần mềm (DevOps), thiết kế, duy trì và chỉnh sửa ứng dụng trên nền web và di động (front-end)... cũng được chú trọng trong việc cải tiến và duy trì hạ tầng công nghệ thông tin với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu suất doanh, tập trung vào trải nghiệm và người dùng. Đồng thời, nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục cũng đã nghiên cứu và mở ra các chuyên ngành mới nhằm cung cấp lượng nhân lực mới có tính chuyên môn cao cho các doanh nghiệp. Điều này tạo sự sôi động cho thị trường nhân lực và là tiền đề phát triển ngành công nghệ thông tin năm 2023.

CHIẾN THẮNG

.