Công nghệ
Trung Quốc: Máy bay nội địa đầu tiên C919 gặp sự cố động cơ khi bay thử nghiệm
Trong một chuyến bay thử nghiệm gần đây trước khi chính thức đi vào hoạt động thương mại dự kiến vào cuối tháng 2, máy bay chở khách C919 nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã gặp sự cố.
Máy bay C919 tại sân bay thành phố Tam Á, Trung Quốc. |
Truyền thông Trung Quốc đưa tin một chiếc máy bay C919 của hãng hàng không China Eastern cất cánh từ sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải lúc 9 giờ 45 sáng ngày 1-2 và hạ cánh tại sân bay Quốc tế Bắc Kinh vào khoảng giữa trưa mặc dù điểm đến trong dự kiến ban đầu là Hợp Phì.
Một trong các động cơ máy bay trong khi hạ cánh đã không mở được bộ đảo ngược lực đẩy. Chính vì vậy, máy bay phải quay trở lại Thượng Hải.
Các chuyên gia kỹ thuật hàng không cho biết mặc dù lỗi đảo chiều lực đẩy không phải là vấn đề lớn nhưng hãng hàng không China Eastern có thể sẽ phải lùi thời điểm ra mắt của máy bay này.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân gây ra sự cố là do bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài gặp vấn đề.
Những bộ phận này được sản xuất bởi CFM International, một công ty liên doanh giữa GE Aviation của Mỹ và động cơ máy bay Safran của Pháp.
Trước đó, vào tháng 8-2022, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), được thành lập vào năm 2008 và có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết máy bay chở khách C919 đã hoàn tất các chuyến bay thử nghiệm.
Công ty cho biết họ đã nộp kết quả thử nghiệm C919 cho Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) và sẽ chờ chứng nhận chính thức để bay. Dự kiến, màn ra mắt chính thức của C919 diễn ra vào năm 2023 hoặc 2024.
Truyền thông Trung Quốc cho biết sự ra đời của máy bay C919 nhằm cạnh tranh với mẫu Airbus A320 của Pháp và Boeing 737 của Mỹ.
Bắc Kinh khởi động chương trình máy bay C919 từ năm 2008, nhưng đã vấp phải hàng loạt trở ngại về quy định và kỹ thuật, bao gồm cả việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Mặc dù được lắp ráp tại Trung Quốc, song các thành phần của máy bay C919 như hệ thống điều khiển bay hay động cơ phản lực được nhập từ phương Tây.
Nhà sản xuất phụ tùng CFM đóng góp động cơ phản lực cánh quạt công suất lớn (LEAP) cho C919. Quy trình chế tạo chính thức khởi công năm 2011 và chiếc máy bay đầu tiên được lắp ráp hoàn chỉnh vào năm 2015.
Tại Trung Quốc, thương hiệu Airbus vẫn hiện diện mạnh mẽ ở quốc gia này, với 142 máy bay được bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc chỉ trong năm 2021. Trong khi đó, mẫu máy bay Boeing 737 MAX đã được cho phép hoạt động trở lại tại Trung Quốc vào năm 2022 sau hai vụ tai nạn chết người vào năm 2019.
Động cơ LEAP |
Cho đến nay hãng hàng không China Eastern và Comac vẫn chưa có thông báo chính thức nào về vụ việc.
Một nhà báo tại Thâm Quyến chỉ ra rằng vấn đề đảo ngược lực đẩy sẽ chỉ nguy hiểm nếu cả hai động cơ không thể đảo ngược lực đẩy trong quá trình hạ cánh. Trong trường hợp như vậy, máy bay cần hạ cánh trên trên đường băng dài hơn để có thời gian giảm tốc.
Trong khi đó, một tác giả khác lại cho rằng sự cố động cơ đảo ngược lực đẩy sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động bay bình thường của máy bay C919 nhưng có khả năng ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành bay thử nghiệm kéo dài 100 giờ đầu tiên của China Eastern.
Trong hành trình ngày 1-2 vừa qua, máy bay C919 đã chọn quay trở lại Thượng Hải thay vì đến Hợp Phì vì sân bay của Hợp Phì không có đường băng đủ dài để giảm tốc.
Vào ngày 9-12-2022, China Eastern đã nhận chiếc C919 đầu tiên từ Comac. Vào ngày 26-1212, chiếc máy bay mang số hiệu MU919 đã cất cánh ở Thượng Hải, bắt đầu khởi động hành trình bay thử nghiệm 100 giờ đầu tiên. Vượt qua bài kiểm tra này là điều cần thiết để China Eastern nhận được chứng chỉ cho hoạt động thương mại của máy bay.
Ngoài Pháp và Mỹ, Trung Quốc đã từng đàm phán để áp dụng công nghệ máy bay của Nga trong quá trình phát triển máy bay nội địa có tên là CR929. Tuy nhiên, dự án đã thất bại do Nga từ chối chia sẻ công nghệ.
Một nhà báo Trung Quốc cho rằng về lâu dài, Trung Quốc nên tiếp tục phát triển động cơ máy bay CJ-1000A và giảm sự phụ thuộc vào các bộ phận nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ. Ông cho biết CJ-1000A có thể được sử dụng để thay thế cho LEAP trong tương lai vì chúng giống nhau.
Theo Báo Tin tức