Công nghệ
Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong ngành giao thông vận tải
Được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính những năm qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, trong đó có ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Đây là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Đặc biệt, việc sử dụng ứng dụng QR Code mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Ứng dụng QR Code hiện đã áp dụng trong việc bán vé tháng xe buýt. Ảnh: T.L |
Phạm Tấn Hải, sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, từ khi ngành GTVT áp dụng ứng dụng QR Code dành cho thẻ vé xe buýt phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng, hành khách có nhiều lựa chọn cho việc mua vé. Cụ thể, khách hàng vào ứng dụng DanaBus, sau đó sử dụng chức năng “vé của tôi” để đăng ký mua vé tháng và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng dùng mã QR Code về thẻ xe buýt để sử dụng.
Việc này tạo điều kiện cho hành khách mua vé tháng xe buýt thuận tiện, dễ dàng, tiết kiệm thời gian đi lại, tránh các trường hợp quên thẻ, mất thẻ trong quá trình sử dụng... Bà Lê Thị Phương Nga, chủ nhà xe Nga Trực (tuyến Đà Nẵng - Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cho hay, từ năm 2021, Sở GTVT áp dụng cấp QR Code cho thủ tục cấp phù hiệu ô-tô kinh doanh vận tải đã góp phần giúp doanh nghiệp và cơ quan chức năng, tổ chức tra cứu thông tin dễ dàng hơn; chỉ cầm bấm ứng dụng trên điện thoại là có thể biết doanh nghiệp nào hoạt động chính thống, nhà xe nào hoạt động “chui”...
Theo Sở GTVT, từ tháng 4-2022, QR Code dùng cho xe tập lái cũng được triển khai. Mới đây là việc cấp giấy phép thi công đường cấm và các loại giấy phép thi công lắp đặt công trình. Việc ứng dụng QR Code trong công tác cấp phép, kiểm tra chấp hành nội dung giấy phép là bước tiến lớn về quá trình chuyển đổi số, tận dụng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý điều hành của ngành GTVT trong thời gian đến. Không chỉ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, ứng dụng QR Code bước đầu hỗ trợ rất nhiều cho ngành GTVT trong công tác quản lý hồ sơ.
Sở GTVT tiếp tục xây dựng, mở rộng ứng dụng này vào tất cả các lĩnh vực quản lý trong các năm tiếp theo. Theo đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành GTVT được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện được nộp trực tuyến mức độ 3, 4...
Ngoài ra, 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu. Toàn bộ số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, cảnh sát giao thông và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ...
Trước yêu cầu này, ngành GTVT Đà Nẵng đã quyết liệt triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong hầu hết các lĩnh vực hành chính công của ngành.
Anh Hồ Thanh Tùng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) bày tỏ, trước đây việc nộp hồ sơ trực tiếp tốn thời gian, chi phí đi lại, hồ sơ rườm rà, phức tạp, cùng với đó là phải xếp hàng tập trung đông người, đến nay việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm được thời gian, kinh phí và có thể chủ động thực hiện trên nhiều thiết bị khác nhau.
Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung, để thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến, công dân đăng nhập vào trang “Dịch vụ công Đà Nẵng” chọn Sở GTVT rồi nhập tên, thủ tục cần thực hiện, bấm tìm kiếm, bấm chọn nộp trực tuyến.
Công dân chỉ cần điền đầy đủ thông tin và đính kèm mẫu đơn theo yêu cầu, bấm nộp hồ sơ, sau khi nộp thành công có thể vào mục lịch sử giao dịch để xem chi tiết hồ sơ đã nộp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tổ chức công dân từ thông tin dữ liệu được lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành GTVT. Cán bộ sở sẽ kiểm tra, rà soát và giải quyết hồ sơ thủ tục theo đúng quy trình đã xây dựng để trả kết quả cho tổ chức công dân.
Không chỉ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, hiện nay Sở GTVT đã và đang triển khai ứng dụng QR Code cho một số loại phù hiệu giấy phép có số lượng hồ sơ nhiều trong ngày. Việc sử dụng QR Code đem lại những lợi ích như: đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của đơn vị; tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát chấp hành nội dung giấy phép; tránh các trường hợp cố tình vi phạm nội dung cấp giấy phép, giả mạo giấy phép...
THÀNH LÂN