Kết nối, hỗ trợ hiến và nhận máu qua ứng dụng VietBlood

.

Với mong muốn cung cấp, chia sẻ nền tảng hỗ trợ, kết nối miễn phí hoạt động hiến/nhận máu thông qua ứng dụng thông minh và lan tỏa tinh thần thiện nguyện đến cộng đồng, góp phần cùng thành phố thực hiện chuyển đổi số, JCI Đà Nẵng (thuộc Liên đoàn lãnh đạo và doanh nhân trẻ Thế giới tại Việt Nam) đã triển khai dự án cộng đồng phi lợi nhuận mang tên “VietBlood”.

Ứng dụng VietBlood kết nối người hiến/nhận máu nhanh chóng.  Ảnh: VĂN HOÀNG
Ứng dụng VietBlood kết nối người hiến/nhận máu nhanh chóng. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc truyền thông và marketing dự án VietBlood, thực tế các trường hợp có nhu cầu nhận máu nóng thường liên hệ với các đội, nhóm tình nguyện và thực hiện kêu gọi hỗ trợ trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, những khó khăn về kết nối, thời gian, địa điểm, chi phí xét nghiệm… gây ảnh hưởng lớn đến việc hiến và nhận máu. Mặc khác, một số ứng dụng liên quan hiện có chỉ hỗ trợ đăng ký hiến máu, không có tính năng tìm kiếm, kết nối giữa người hiến và người nhận. Trong khi đó, nhu cầu cần nhận máu trong xã hội rất cao; nguồn máu tại “ngân hàng máu” có khi bị thiếu hụt, chi phí cao… Xuất phát từ điều này, đội ngũ JCI Đà Nẵng đã xây dựng ứng dụng VietBlood nhằm cung cấp, chia sẻ nền tảng hỗ trợ kết nối hoạt động hiến và nhận máu, đặc biệt là nhóm máu hiếm, tiểu cầu; qua đó, JCT muốn lan tỏa tinh thần hiến máu và tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa hoạt động nhân đạo này đến cộng đồng. 

Phó Giám đốc phụ trách công nghệ dự án Đinh Văn Hiếu cho biết, để đăng ký nhận và hiến máu qua ứng dụng VietBlood, người dùng chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại thông minh, thực hiện đăng ký tài khoản bằng số điện thoại hoặc gmail và cung cấp một số thông tin cá nhân cơ bản. Các tài khoản đăng ký thành công sẽ được cấp mã QR tích hợp thông tin cá nhân, tạo thuận lợi cho việc chia sẻ. Khi thực hiện đăng ký hiến máu hoặc tạo yêu cầu nhận máu, hệ thống sẽ tự động hiển thị danh sách phù hợp để người dùng thuận tiện trong việc tìm kiếm, liên hệ và kết nối. Tại đây, người hiến và nhận máu sẽ trao đổi, nhắn tin và gọi điện trực tiếp trên ứng dụng. Ứng dụng còn hỗ trợ người dùng theo dõi quá trình hiến máu bằng cách cập nhật trạng thái, bổ sung thông tin cơ sở dữ liệu, giúp hệ thống sàng lọc điều kiện hiến máu phù hợp. Ngoài ra, những thông tin về cơ sở y tế, trung tâm hiến máu và các chiến dịch liên quan đang diễn ra tại khu vực và trên toàn địa bàn đều được thông báo trên ứng dụng.

Theo ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc dự án VietBlood, để xây dựng cơ sở dữ liệu người dùng lớn, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và tạo giải pháp bền vững, thời gian đến, dự án sẽ kết nối với các đơn vị, hội, đoàn thể như: Thành Đoàn, Hội Chữ thập đỏ thành phố, các câu lạc bộ máu nóng,... kết hợp với các đơn vị, bệnh viện trên địa bàn tổ chức ngày hội hiến máu hằng tháng; liên kết với các đội nhóm máu nóng đang hoạt động. Từ đó, cải tiến và cập nhật thêm nhiều tính năng phù hợp với nhu cầu của người dùng trên ứng dụng; đồng thời, xây dựng thêm nền tảng web-app.

Năm 2023, dự án đặt mục tiêu có 100.000 người dùng nhằm tạo ra “ngân hàng dự trữ máu online” lớn tại Việt Nam; thực hiện kết nối với hệ thống các bệnh viện trên toàn quốc nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người có nhu cầu hiến máu cũng như người nhận máu; truyền thông lan tỏa ứng dụng đến với bệnh nhân trên cả nước thông qua các hoạt động online và offline trong năm.

“Để duy trì và vận hành dự án lâu dài, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền thành phố. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn đồng hành và chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, cơ quan chức năng để giảm tải áp lực của đơn vị y tế, hướng đến xây dựng ngân hàng máu nóng với lượng tình nguyện viên luôn sẵn sàng hiến máu và các chế phẩm từ máu”, ông Phương chia sẻ. 

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.