Công nghệ

Tăng cơ hội hợp tác, phát triển thị trường khoa học công nghệ

05:54, 12/08/2023 (GMT+7)

Tại chuỗi sự kiện kết nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ 2023 do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 11-8, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ xanh, cũng như giải pháp kết hợp giữa chuyển giao công nghệ và tri thức giúp thúc đẩy quá trình đổi mới và sáng tạo.

Tăng ứng dụng công nghệ xanh

Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, thành tố không thể thiếu để phát triển thị trường khoa học công nghệ là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 37.000 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng, trong đó có 9 doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Đây là nguồn cầu công nghệ chính của thành phố. Nhìn chung, nhu cầu đổi mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin cao hơn hẳn so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên các lĩnh vực sản xuất khác như cơ khí, tự động hóa, chế biến thủy sản, nông nghiệp... cũng có mong muốn rất lớn trong áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu suất sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm phát triển sàn giao dịch công nghệ Techmart Online Đà Nẵng. Đây là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ của mình trên Internet, là nơi cung cấp thông tin công nghệ, thiết bị, kết nối nguồn cung - cầu công nghệ.

Ông Trần Anh Đông, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp điều khiển và tự động hóa (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đánh giá, việc phát triển theo hướng công nghệ, kinh tế tuần hoàn rất phù hợp bởi Đà Nẵng là thành phố xanh, mang thương hiệu “đáng sống” của Việt Nam. Việc áp dụng xanh hóa đô thị sẽ giúp thành phố phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.

“Tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này rất lớn và các startup có thể dễ dàng khi phát triển sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn từ thực phẩm đến giải pháp công nghệ. Chúng tôi đang áp dụng mô hình tại các khách sạn, tòa nhà, trường học nhằm thực hiện mục tiêu xử lý chất thải hữu cơ, nước xám và thu nước mưa để phục vụ cho trồng cây phủ xanh, giúp cho các tòa nhà làm mát thụ động và bền vững”, ông Đông cho hay.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm về thay đổi công nghệ, tuy vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất rải rác, không nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế để có định hướng về xử lý chất thải đồng nhất, phù hợp các tiêu chí kinh tế tuần hoàn hiện nay.

Ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, sở hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 16-11-2016 của UBND thành phố và Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Những năm qua tại thành phố đã có trên 70 lượt doanh nghiệp nhận hỗ trợ đổi mới công nghệ với kinh phí gần 8 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2022, thành phố hỗ trợ trực tiếp cho 22 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vườn ươm với tổng kinh phí là 3,94 tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, chuyển giao, đổi mới công nghệ

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, việc chuyển giao công nghệ và tri thức là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới trong doanh nghiệp.

Sở luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra những giá trị thực tế cho cộng đồng thông qua sự chuyển giao công nghệ và tri thức. Trong đó, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ và tri thức; xây dựng môi trường thích hợp để các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến.

Ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho hay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được hỗ trợ đổi mới, kết nối, chuyển giao công nghệ thông qua các chính sách của thành phố, chương trình, hội thảo.

Về nhu cầu và khả năng tiếp cận đối với các công nghệ nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp Đà Nẵng đã kết nối, hợp tác, gia công sản phẩm trí tuệ, nhân lực công nghệ với các đơn vị tại thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Về vấn đề hỗ trợ vay vốn dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Nguyễn Thị Ánh Hằng, đại diện Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia cho biết, điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được vay vốn là cần có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, khai thác các loại tài sản trí tuệ, công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới; bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án. Được biết, quỹ đã ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với một số ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp.

MAI QUẾ - VĂN HOÀNG

.