Công nghệ
Chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân
Các phường, xã trên địa bàn thành phố thành lập các “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”, “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số”. Qua đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đăng ký giải quyết thủ tục hành chính.
Đoàn viên thanh niên phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: PV |
Với mục tiêu hỗ trợ công dân tiếp cận công nghệ thông tin, tạo tài khoản công dân điện tử, tài khoản trên cổng Dịch vụ công quốc gia, tài khoản công dân số, nộp hồ sơ trực tuyến mức 3, 4 và các nội dung chuyển đổi số, UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) là 1 trong 10 phường tiên phong hưởng ứng đăng ký thực hiện thí điểm chuyển đổi số của thành phố. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND phường thành lập 37 “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” với 181 thành viên. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng cho các thành viên tổ, từ đó hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ thông tin để giải quyết nhiều công việc hằng ngày như thanh toán tiền điện, nước qua mạng, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại nhà mà không cần đến cơ quan, đơn vị.
Bà Trương Thị Tuyến (trú tổ 29, phường Hòa Hiệp Bắc) chia sẻ niềm vui khi được “Tổ chuyển đổi số cộng đồng” đến tận nhà để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động; ví điện tử, các ứng dụng tiện ích của Danang Smart City, công dân số, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước. “Dù còn hơi khó khăn trong quá trình tiếp cận ban đầu, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của thanh niên, tôi đã có thể tự mình thực hiện các thao tác trên dịch vụ công trực tuyến, thanh toán các hóa đơn chỉ với điện thoại thông minh, vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian”, bà Tuyến nói.
Bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Bắc Huỳnh Võ Hà Lê cho biết, để nâng cao hiệu quả của “Tổ chuyển đổi số cộng đồng”, UBND phường thành lập “Đội Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số” tại 17 khu dân cư với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên, cán bộ phường và Công an phường. Qua đó lan tỏa nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, phổ biến về mục đích, cũng như lợi ích mà người dân nhận được khi sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ người dân trong việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng, nền tảng số. “Sẽ không quá nếu nói chuyển đổi số là cuộc cách mạng, bởi chuyển đổi số giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức so với trước đây”, chị Lê nói.
Trong khi đó, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cũng vừa cho ra mắt mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” trong niềm phấn khởi của hơn 300 hộ dân người đồng bào dân tộc Cơ tu tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí. Bởi từ nay, bà con sẽ dễ dàng tiếp cận công nghệ thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến và các thủ tục hành chính khác thuận lợi mà không cần đến UBND xã… Nhờ những thuận lợi mô hình mang lại, chỉ sau hơn 1 giờ đăng ký thủ tục đăng ký kết hôn, anh Phan Văn Thu (SN 1977, xã Hòa Bắc) và chị Ating Thị Gan (SN 2000, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) được UBND xã Hòa Bắc trao Giấy chứng nhận kết hôn nhờ sự hỗ trợ của các thành viên trong “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” trong niềm vui mừng. “Chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công cấp tỉnh và hoàn thành các bước đăng ký thông tin, sau đó đợi công chức làm công tác hộ tịch thẩm tra hồ sơ, trả kết quả là tôi đã hoàn thành việc đăng ký kết hôn, rất nhanh và thuận tiện cho người ở vùng xa như chúng tôi”, anh Thu nói.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam chia sẻ, dù mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” chỉ mới được thành lập vào đầu tháng 6-2023 nhưng đã góp phần tích cực hỗ trợ người dân tại địa phương trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. “Đến nay, đã có hơn 80 trường hợp người dân được “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai, bảo hiểm y tế, đăng ký kết hôn, hộ tịch, hộ khẩu…Đồng thời, lực lượng công an và cán bộ tư pháp xã đã hỗ trợ 50 trường hợp làm hộ chiếu, 19 trường hợp làm lý lịch tư pháp (dịch vụ công mức độ 4 cấp thành phố) và trả kết quả tận nhà giúp người dân tiết kiệm được thời gian đi lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Tấn Khoa chia sẻ, để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện, các xã đã chủ động triển khai mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số”. Đến nay đã có 3 điểm ra mắt tại thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc), thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên), thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh). Các điểm được thành lập nhằm kết nối tương tác giữa chính quyền xã với nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tuyên truyền chuyển đổi số đến toàn thể nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tiếp cận công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Mô hình “Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số” đã chứng minh được hiệu quả thiết thực, chính vì vậy, thời gian đến UBND huyện sẽ tiếp tục phổ biến, nhân rộng mô hình trên toàn huyện gắn với thực hiện mô hình “Ngày cải cách hành chính”, “Ngày nông thôn mới”… trên địa bàn”, ông Khoa nói thêm.
NGUYỄN QUANG