Công nghệ
Nhật Bản chinh phục Mặt trăng với công nghệ chưa từng có
Tiếp bước cuộc đổ bộ lịch sử của Ấn Độ trên cực nam Mặt trăng, ngày 7-9 Nhật Bản phóng thành công tên lửa đẩy H2-A mang theo tàu đổ bộ thông minh thăm dò Mặt trăng (SLIM) và vệ tinh sứ mệnh quang phổ và hình ảnh tia X (XRISM) vào không gian. Sự xuất hiện của “người chơi mới” này càng khiến cuộc đua lên Mặt trăng thêm náo nhiệt.
Theo CNN, trong quá trình thiết kế, các nhà khoa học Nhật Bản đạt tiến bộ thông qua việc đưa ra các mục tiêu cụ thể cho khoa học và ứng dụng thực tiễn. Tàu SLIM thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, nhất là các nhà khoa học không gian bởi nước này đưa vào sử dụng công nghệ đổ bộ mới chưa từng có, một thách thức không nhỏ trong quá trình nghiên cứu, chế tạo và đưa tàu tiếp cận Mặt trăng một cách dễ dàng và chính xác nhất.
Theo đó, tên lửa đẩy H-2A sẽ mang theo tàu SLIM của Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển sẽ đi vào quỹ đạo quanh Mặt trăng khoảng 3 đến 4 tháng kể từ thời điểm rời bệ phóng và có khả năng đáp xuống bề mặt Mặt trăng sau 4 đến 6 tháng. Cùng bay trên tên lửa H-2A là vệ tinh XRISM chụp ảnh tia X do JAXA, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cùng phát triển để nghiên cứu quá trình vũ trụ tiến hóa. So với các bước sóng ánh sáng khác, tia X ngắn đến mức chúng đi qua các gương hình đĩa để quan sát và thu thập ánh sáng nhìn thấy, tia hồng ngoại và tia cực tím như kính viễn vọng không gian James Webb và Hubble.
Trong khi đó, theo JAXA, tàu SLIM được các nhà khoa học Nhật Bản thiết kế nhỏ gọn để chứng minh khả năng hạ cánh chính xác ở địa điểm cụ thể trong phạm vi chỉ trong 100m, thay vì vài km như thông thường, bằng cách dựa vào công nghệ hạ cánh có độ chính xác cao trên bề mặt Mặt trăng. Đây chính là điểm đặc biệt của công nghệ này. Nếu hạ cánh thành công, tàu SLIM sẽ tiến hành nghiên cứu môi trường bên trong Shioli, hố va chạm rộng 300m nằm tại vùng đồng bằng Mare Nectaris, ở phía gần của Mặt trăng.
JAXA nêu rõ: “Với việc chế tạo tàu SLIM, con người sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, tiến tới có thể hạ cánh ở nơi chúng ta muốn, chứ không chỉ ở nơi dễ hạ cánh. Bằng cách đạt được điều này, chúng ta có thể hạ cánh xuống các hành tinh khác thậm chí còn khan hiếm tài nguyên hơn cả Mặt trăng”. JAXA còn nhấn mạnh, chưa có trường hợp nào trước đây hạ cánh chính xác tại các địa điểm đã định trên những thiên thể có lực hấp dẫn đáng kể như Mặt trăng”.
Từ trước đến nay, chưa có nước nào áp dụng công nghệ mới nói trên. Nếu tàu SLIM thành công, các dữ liệu do Nhật Bản thu thập từ Mặt trăng sẽ được sử dụng cho dự án Artemis do Mỹ dẫn đầu, với mục đích đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025 và thúc đẩy hoạt động khám phá tại đây và hướng đến mục tiêu cuối cùng là khám phá sao Hỏa. Ông Richard Kelley, nhà nghiên cứu chính của XRISM tại NASA, kỳ vọng sứ mệnh SLIM sẽ cung cấp thêm thông tin về những gì được phóng ra từ các lỗ đen siêu lớn tại trung tâm các thiên hà.
Như vậy, sau Ấn Độ và Trung Quốc, Nhật Bản là nước thứ ba của châu Á và trở thành nước thứ năm trên thế giới, cùng với Mỹ và Nga, đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng, góp phần khám phá, nghiên cứu những tiềm năng và bí ẩn từ bao đời nay của “người bạn” gần gũi nhất của Trái đất. Sứ mệnh SLIM thành công sẽ chứng minh bước tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ vũ trụ của Nhật Bản nói riêng, châu Á và thế giới nói chung, mở ra giai đoạn mới trong quá trình khám phá không gian rộng lớn của Trái đất trong những thập niên tới.
Giờ đây ngày càng nhiều quốc gia đang chuẩn bị phiêu lưu trên Mặt trăng. Hàn Quốc lên kế hoạch cho cuộc đổ bộ tương tự trong năm nay. Trong khi đó, những nước khác như Canada, Mexico và Israel đang tính toán đưa xe tự hành (rover) lên khám phá bề mặt Mặt trăng.
TUYẾT MINH