Công nghệ
Công nghệ thông tin khẳng định vị thế
Được xác định là một trong những mũi nhọn kinh tế của thành phố, ngành công nghệ thông tin (CNTT) đạt nhiều kết quả nổi bật thời gian qua. Đặc biệt, chuyển đổi số ngày càng phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Lĩnh vực công nghệ thông tin luôn giữ đà phát triển và tăng trưởng. TRONG ẢNH: Các lập trình viên tại cuộc thi Unihack 2023. Ảnh: M.Q |
Tăng trưởng ổn định
Ngành thông tin truyền thông là ngành dịch vụ liên tục tăng trưởng ổn định qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2021-2023, tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông ước đạt 48.155,7 tỷ đồng, tăng 6,36%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 376,5 triệu USD, tăng 16,5%/năm. Năm 2022, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành theo giá hiện hành đạt 9.079 tỷ đồng, mở rộng gần 859,7 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 7,2% trong cơ cấu GRDP toàn ngành kinh tế.
Để có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp CNTT; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng CNTT - truyền thông; tập trung thúc đẩy chuyển đổi số để ngành CNTT là mũi nhọn vững chắc.
Về hạ tầng, thành phố hiện có 3 khu CNTT tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Bên cạnh đó, Khu công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1 đang thi công xây dựng và có 3 khu CNTT đang thực hiện ở bước chủ trương đầu tư là dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay (quận Liên Chiểu), tòa nhà Viettel Đà Nẵng (quận Hải Châu).
Thành phố có trạm cáp quang cập bờ (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), là trạm truyền dẫn quốc tế quan trọng của mạng viễn thông quốc gia. Mạng đô thị thành phố (MAN) có tổng chiều dài tuyến cáp quang trên 450km đi ngầm, kết nối đến 175 cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, kết nối đến Khu CNTT Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao. Thành phố hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định tại 100% khu dân cư; phát triển phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm thành phố và các khu CNTT tập trung. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu băng thông tốc độ cao cho doanh nghiệp CNTT…
Để phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 7-11-2022 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số đến năm 2025. Trong đó, xác định việc phát triển nguồn nhân lực từ 4 nhóm đối tượng: các cơ quan Nhà nước; các doanh nghiệp công nghệ và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số; các cơ sở giáo dục, đào tạo và trong cộng đồng xã hội.
Tính đến tháng 6-2023, thành phố có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ 2 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, gấp hơn 3 lần tỷ lệ trung bình 0,7 doanh nghiệp công nghiệp số/1.000 dân của cả nước. Tổng nhân lực CNTT thành phố khoảng 47.500 người (chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số lao động của địa phương). Thành phố xác định tăng cường thu hút chuyên gia công nghệ số, nhân lực CNTT chất lượng cao, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn đến đầu tư, làm việc tại thành phố; bổ sung nội dung đào tạo về chuyển đổi số vào chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề… để tăng chất lượng nhân lực số.
Nhân viên làm việc tại Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Dấu ấn chuyển đổi số
Công tác chuyển đổi số đạt một số kết quả bước đầu trên 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Về chính quyền số, thành phố hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số: 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc); bắt đầu đưa dịch vụ ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố; sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.
Kinh tế số của Đà Nẵng năm 2022 chiếm tỷ trọng 19,67% GRDP thành phố (chỉ tiêu cả nước 16%), trong đó ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 20%/năm). Về xã hội số, nhiều kết quả của Đà Nẵng đã vượt chỉ tiêu chung của cả nước về chuyển đổi số năm 2023 như 95% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (chỉ tiêu cả nước 80%); 99% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng trên (chỉ tiêu cả nước 85%); số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố hơn 3,55 triệu tài khoản, gấp 6 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên (chi tiêu cả nước 75% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác)…
Từ kết quả trên, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đánh giá Đà Nẵng tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức số với việc áp dụng phương châm hành động “3 cần”: Một là cần sự gương mẫu và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng. Hai là cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt toàn thành phố. Ba là cần nội dung truyền thông bảo đảm yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi.
Có thể nói, Đà Nẵng triển khai công tác tuyên tuyền chuyển đổi số theo hướng “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, để phát triển ngành CNTT và chuyển đổi số, thành phố định hướng tiếp tục triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy Đà Nẵng về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai đề án Thành phố thông minh trong năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện đề án Truyền thông chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025 và mới đây nhất là Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 16-8-2023 về phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Theo đó, một số giải pháp chính có thể kể đến như tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển hạ tầng, nhân lực, ứng dụng CNTT; thu hút đầu tư và nguồn lực bên ngoài; hợp tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại và nghiên cứu khoa học… Qua đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển CNTT, chuyển đổi số, khẳng định mũi nhọn vững chắc của ngành CNTT.
Các giải thưởng về CNTT và chuyển đổi số của Đà Nẵng 12 năm liên tiếp (2009-2021) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index); 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp Nhất khối các tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp (2020-2022) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 2 năm liên tiếp (2022-2023) được vinh danh là địa phương tiêu biểu thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards” … |
MAI QUẾ