Công nghệ
Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10: Nỗ lực trên chặng đường chuyển đổi số
Từ nỗ lực của chính quyền và người dân, chuyển đổi số tại Đà Nẵng đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực, tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình.
Đoàn viên thanh niên UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) hướng dẫn người dân tạo tài khoản định danh điện tử. Ảnh: M.Q |
“Quả ngọt” chuyển đổi số
Ngày 7-10, Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh trong hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards-VDA) năm 2023. Như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng được vinh danh tại VDA (2020-2023), bên cạnh đó, Đà Nẵng 3 năm liền (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); 3 năm liên tiếp (2020-2022) đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; 2 năm liên tiếp (2022-2023) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam- I4.0 Awards”. Ngoài ra, trong tháng 9-2023, Đà Nẵng được vinh danh tại hạng mục Thành phố lấy con người làm trung tâm (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất…
Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đánh giá, Đà Nẵng đạt được những kết quả trên nhờ áp dụng phương châm hành động 3 cần: Một là cần sự gương mẫu và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng. Hai là cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt toàn thành phố. Ba là cần nội dung truyền thông bảo đảm yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi.
Có thể thấy, hàng loạt văn bản về thúc đẩy chuyển đổi số được ban hành từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thời gian qua. Đến nay, 100% phường, xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, tổ dân phố với gần 2.500 tổ và 13.000 thành viên, trong đó đoàn thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sống tại địa phương làm nòng cốt. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 4 văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng; cử danh sách đầu mối và cung cấp các tài liệu hướng dẫn.
Tính đến giữa tháng 8-2023, thành phố hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số; 91% dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (gấp 1,7 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 73% (gấp 1,3 lần so với trung bình toàn quốc; vượt chỉ tiêu tại kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số là 50%); đưa dịch vụ ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên cung cấp trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công thành phố; sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích để người dân, doanh nghiệp sử dụng và tương tác với chính quyền: nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City có 1,2 triệu lượt tải; nền tảng công dân số MyPortal có hơn 260.000 người dân có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên hệ thống chính quyền điện tử… Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Đà Nẵng năm 2022 là 19,76% (mục tiêu toàn quốc năm 2023 là 16%).
Các mục tiêu chuyển đổi số của thành phố tiếp tục gắn với 3 trụ cột là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. TRONG ẢNH: Công ty CP EM&AI giới thiệu sản phẩm số tới khách hàng. Ảnh: M.Q |
Phát huy hiệu quả các nguồn lực
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho biết, sở cùng các đơn vị liên quan đang tập trung hoàn thành các chỉ tiêu theo Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 4-3-2023 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2023. Các mục tiêu chuyển đổi số tiếp tục gắn với 3 trụ cột là kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Các trụ cột này được xây dựng bằng phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật số và thể chế, chính sách; trong đó, sự phối hợp của người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền là yếu tố vô cùng quan trọng để tăng tốc lộ trình chuyển đổi số.
Để góp phần cùng thành phố chuyển đổi số, ông Phạm Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng thông tin, hiệp hội vừa bước vào nhiệm kỳ mới (2023-2028) và một trong những nhiệm vụ quan trọng của hiệp hội là góp phần vào lộ trình chuyển đổi số và sự phát triển chung của ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) thành phố. Theo đó, hiệp hội sẽ huy động tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến CNTT, phần mềm và chuyển đổi số phục vụ nhân dân, phục vụ cho chính các doanh nghiệp của thành phố ở những lĩnh vực còn hạn chế, đặc biệt chú ý dự án cho các lĩnh vực yếu thế hơn; tăng cường vai trò cầu nối, kết nối các hội viên hiệp hội với các tổ chức đào tạo để hợp tác về các lĩnh vực: chuyển đổi số, thành phố thông minh, khoa học dữ liệu…; phát huy lợi thế của hiệp hội là có hội viên ở nhiều lĩnh vực (kinh doanh, sản xuất, đào tạo và cơ quan Nhà nước) để phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới… Hiệp hội định hướng đồng hành thành phố để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp.
Với vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ, Thành Đoàn Đà Nẵng đã và đang phối hợp tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ người dân tiếp cận chuyển đổi số như: số hóa địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố, festival thanh niên tiên phong chuyển đổi số…
Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho hay, trong thời gian tới, Thành Đoàn tiếp tục tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng số cho các tổ công nghệ số cộng đồng để giới thiệu, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ số; cách sử dụng Cổng dịch vụ công thành phố; giới thiệu, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… triển khai nhiều mô hình, hoạt động nhằm lan tỏa tinh thần số trong cộng đồng dân cư, cùng hệ thống chính quyền đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
MAI QUẾ