Đà Nẵng cuối tuần
Áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất nông nghiệp
Chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, chính vì vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp, mà cụ thể là quy trình sản xuất được nhận định là xu thế tất yếu nhằm giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để phát triển, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Người dân mua rau của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan tại một hội chợ. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nhiều năm nay, với việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh ở nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Nâng cao khả năng cạnh tranh từ chất lượng
HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là điển hình tiêu biểu cho nhận định trên. Xác định phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp trong sản xuất sạch và chú trọng xúc tiến thương mại để đem sản phẩm ra thị trường, thời gian qua, từ việc đầu tư hệ thống giếng công nghiệp và mương hiện đại nhằm chủ động việc tưới tiêu. Đồng thời, song song với sử dụng máy làm đất thay cho sức người, HTX tiếp tục nâng cao kỹ thuật với việc tiếp tục đầu tư hệ thống nhà lưới với hệ thống tưới tiêu tự động (2 lần/ ngày) để sản xuất rau thủy canh, máy ươm hạt nhà sản xuất giống… qua đó góp phần khắc phục sự phụ thuộc vào thời tiết.
Bà Nguyễn Thị Lý, hội viên HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan bày tỏ, từ khi chuyển sang sản xuất nông sản sạch và ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong quy trình sản xuất là bước ngoặt giúp bà cùng các thành viên trong HTX không còn phải quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, công việc làm nông bớt phần cực nhọc mà thu nhập lại ổn định giúp bớt đi nỗi lo “được mùa mất giá” như trước đây. Từ những người nông dân truyền thống, bà cùng các hội viên khác đã dần trở thành những người “nông dân hiện đại”.
Thay đổi tư duy làm nông
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm có chất lượng cao và thay đổi căn bản tư duy của người làm nông nghiệp đã được nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn (huyện Hòa Vang) triển khai thực hiện thời gian qua. Tuy vậy, việc áp dụng chuyển đổi số vào quy trình sản xuất còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa đồng đều và mới ở bước áp dụng ban đầu. Tại làng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), một trong những làng hoa lớn nhất của thành phố, việc áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao vào quy trình sản xuất như các thiết bị tưới nước tự động, nhà che, đèn chiếu sáng… đã khắc phục được ảnh hưởng của thời tiết, đem lại năng suất cao, nguồn thu ổn định cho người dân.
Ông Nguyễn Phú Thanh Sơn, Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, liên quan đến ứng dụng kỹ thuật số vào quy trình sản xuất, hiện nay, sở đang triển khai chuyển đổi số bằng việc xây dựng phần mềm quản lý quy trình sản xuất lúa ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số thí điểm tại cánh đồng An Trạch, (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang). Bên cạnh đó, hiện nay, việc chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp còn được tập trung mạnh đối với các sản phẩm OCOP (chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) từ hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, bộ nhận diện thương hiệu, thương hiệu giúp nâng cao uy tín sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, xây dựng web, bán hàng trực tuyến… từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Việc chuyển đổi số thực sự đem lại những lợi ích đáng kể đối với hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất; làm thay đổi tư duy của những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử, tại Công ty TNHH TM & DV Vita Corporation (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), để phục vụ mục tiêu mở rộng thị trường phân phối sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như hoạt động xuất khẩu, đơn vị đã đầu tư mới hệ thống cân tự động và đóng gói hút chân không bán tự động dạng vuông.
Với hệ thống này, việc điều chỉnh độ xát từ lúa ra gạo lứt, gạo xát trắng cũng như cân và đóng gói sẽ đạt được độ chính xác cao; quy trình khép kín nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm; đồng thời cho ra mẫu mã đẹp hơn nhiều so với làm bằng thủ công như trước đây. Bà Phạm Thị Xuân Ly, Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM&DV Vita Corporation cho biết: “Chúng tôi nhận thấy hiệu quả rất rõ rệt của việc ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật số vào trong quy trình sản xuất. Đặc biệt là, doanh thu tăng lên so với trước kia nhiều”.
KHÁNH HÒA