Nhu cầu chữ ký số tăng mạnh

.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân dần hình thành những thói quen sử dụng chữ ký số khi giao dịch trên môi trường mạng. Theo thông tin từ Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, năm 2022 có 1.959.792 chứng thư số đang hoạt động, tăng 20,14% so với năm 2021. Việc thúc đẩy chữ ký số phát triển đã góp phần quan trọng vào xây dựng công dân số, tạo nền tảng cho một xã hội số bền vững.

Nhiều doanh nghiệp tiếp cận khách hàng để phổ cập, tăng độ nhận diện của chữ ký số.  Ảnh: CHIẾN THẮNG
Nhiều doanh nghiệp tiếp cận khách hàng để phổ cập, tăng độ nhận diện của chữ ký số. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Trong những năm qua, các lĩnh vực áp dụng chữ ký số điển hình như ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, kho bạc Nhà nước, đấu thầu và đặc biệt là hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ số an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là nền tảng pháp lý quan trọng trong quá trình bảo đảm an toàn, xác thực, toàn vẹn, minh bạch cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số.

Từng phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để ký hợp đồng công việc, anh Trần Minh Cảnh, phó phòng kinh doanh của một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, cho hay: “Từ khi sử dụng chữ ký số, tôi đã giảm nỗi lo về chậm, trễ, hủy chuyến bay hay những tác động khác khi ký hợp đồng. Ngoài ra, tôi cũng tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức thực hiện thủ tục hành chính công. Chỉ cần ở nhà có một thiết bị kết nối internet thì tôi đã có thể thực hiện các thủ tục, giao dịch, hợp đồng mà không phải lo về điều gì. Tôi nghĩ, chữ ký số trong tương lai sẽ phát triển, cải tiến nhiều hơn nữa”.

Là một doanh nghiệp trẻ trên địa bàn thành phố, nhưng Công ty CP Công nghệ Fivess đã áp dụng hiệu quả quá trình chuyển đổi số, trong đó có chữ ký số điện tử. Ông Đỗ Quý Sự, Tổng Giám đốc công ty cho biết, hiện tại, doanh nghiệp ông đã sử dụng 100% chữ ký số, chứng thư số, chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… Chữ ký số sau khi được triển khai, áp dụng có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, bảo đảm được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và tạo sự an toàn cho doanh nghiệp của ông trong các hoạt động, giao dịch khi có tính minh bạch.

Chữ ký số được xem là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu trong định hướng phát triển, chuyển đổi số của thành phố. Theo ông Đặng Ngọc Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, ứng dụng chữ ký số trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Trong luật Giao dịch điện tử 2023 mới đây có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng chữ ký số vào mọi hoạt động của người dân trên môi trường mạng. Việc triển khai áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công cung cấp tới người dân, doanh nghiệp.

Giám đốc Văn phòng đại diện Công ty CP Misa tại Đà Nẵng Nguyễn Hồng Hải chia sẻ, vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp, cá nhân sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần. Một phần từ việc nhận thấy tiềm năng từ lĩnh vực này nên trong thời gian qua, MISA đã tổ chức các buổi cấp, tặng chữ ký số và miễn phí 1 năm sử dụng chữ ký số cá nhân MISA eSign với đầy đủ các tiện ích, không hạn chế số lượt nhằm giúp doanh nghiệp, người dân thay đổi dần thói quen. Với mong muốn sẽ khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số từ xa để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.

Tính đến tháng 9-2023, cả nước có trên 2,2 triệu chứng thư số đang hoạt động trong đó khoảng 1,7 triệu chứng thư số doanh nghiệp, tổ chức và hơn 540.000 chứng thư số cá nhân đang hoạt động. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trần Ngọc Thạch cho biết, việc phát triển chữ ký số sẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, thành phố đã tích hợp giải pháp tích ký số từ xa trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Sở TT&TT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội nghị tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số nhằm góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng chữ ký số để có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số. Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác số hóa, từng bước thiết lập, phát triển kho dữ liệu dùng chung của thành phố, hướng tới mỗi người dân một điện thoại thông minh, trên đó có danh tính điện tử, chữ ký số cá nhân, tài khoản thanh toán số, tài khoản để dùng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm bảo vệ người dân.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích