Công nghệ

Chuyển đổi số để phục vụ nhân dân

13:23, 15/02/2024 (GMT+7)

Các bệnh viện, cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tiết kiệm thời gian, công sức của nhân dân.

Bệnh viện 199 triển khai công tác khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và VneID, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: B.V
Bệnh viện 199 triển khai công tác khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và VneID, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ảnh: B.V

Nằm ở trung tâm thành phố, mỗi ngày Trung tâm Y tế (TTYT) quận Hải Châu tiếp đón hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Bác sĩ CK2 Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc TTYT quận Hải Châu chia sẻ, trung tâm triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) với các nội dung: khai báo lưu trú trên ứng dụng VneID khi tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân nằm viện; triển khai tính năng khảo sát chất lượng công tác chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử của trung tâm nhằm khảo sát và tổng hợp ý kiến của người dân để nâng cao chất lượng chuyển đổi số; triển khai nâng cấp hệ thống quản lý khám chữa bệnh HIS để có thể quét mã QR trên căn cước công dân (CCCD) có gắn chip và ứng dụng VneID nhằm truy xuất thông tin bệnh nhân; kết nối trực tiếp với cổng thông tuyến dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT). “Trong năm 2023, TTYT quận cơ bản hoàn thành quy trình mua sắm 3 đầu đọc CCCD có tính năng kết nối dữ liệu của Bộ Công an để xác thực thông tin thẻ. Trong năm 2024, đơn vị sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống HIS nhằm tạo thuận tiện cho công tác khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng thực hiện Đề án 06”, bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ CK1 Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thành phố chia sẻ, với đặc thù công việc phải kịp thời, chính xác, hiệu quả, bảo đảm “thời gian vàng” trong công tác cấp cứu ban đầu và hạn chế mức thấp nhất các di chứng sau điều trị cho người bệnh, trung tâm thực hiện mô hình “Ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương tại thành phố Đà Nẵng”. Ứng dụng sẽ gồm app trên điện thoại di động để phục vụ người dân, lái xe 115 và kíp cấp cứu và phiên bản web có bản đồ để phục vụ công tác điều hành, quản lý của Trung tâm cấp cứu và Sở Y tế.

Theo bác sĩ Thảo, khi sử dụng ứng dụng, người dân có thể theo dõi được hành trình xe cấp cứu 115 đã khởi hành hay chưa, hành trình đi, đoạn đường và khoảng thời gian dự kiến xe đến để chủ động xử lý tình huống khẩn cấp cho người bệnh trong thời gian chờ cấp cứu. Trường hợp người dân không sử dụng điện thoại thông minh, ngay sau khi gọi cấp cứu bằng điện thoại thông thường, người sử dụng sẽ nhận được tin nhắn SMS có đường dẫn để mở bản đồ theo dõi vị trí, hành trình di chuyển của xe cứu thương.

Tại trung tâm cấp cứu, ứng dụng sẽ giúp cho việc điều xe cấp cứu phù hợp, nhanh chóng nhất; tiếp nhận thông tin cơ bản của bệnh nhân ngay lập tức (thông tin cá nhân, tình trạng người bệnh, địa chỉ cụ thể); dễ dàng theo dõi lộ trình, vận tốc di chuyển của xe và xử lý khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, hồ sơ bệnh nhân từng yêu cầu cấp cứu sẽ được lưu lại, tương lai khi bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu thì tổng đài viên cũng như kíp cấp cứu sẽ nhanh chóng nắm bắt được thông tin của bệnh nhân, qua đó có các phương án cấp cứu phù hợp nhất dành cho người bệnh.

“Ứng dụng đã được Sở Thông tin và Truyền phối hợp Sở Y tế, Trung tâm cấp cứu 115 thành phố triển khai khảo sát, xác định nhu cầu và triển khai ứng dụng thí điểm ứng dụng theo dõi hành trình xe rác, xe cứu hỏa, xe cứu thương tại thành phố. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, có  hơn 18.500 ca cấp cứu ngoại viện đã được điều hành qua Tổng đài 115 và quản lý trên hệ thốn”, bác sĩ Thảo chia sẻ.

Theo Trung tá, bác sĩ CK2 Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện 199 (Bộ Công an), bệnh viện triển khai công tác khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID cho hơn 79.946 lượt người đến khám, chữa bệnh; triển khai khám chữa bệnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đồng bộ thông tin với hệ thống sổ sức khỏe điện tử; đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; đồng bộ, bổ sung thông tin nhóm máu của bệnh nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Bệnh viện tích hợp định danh mức 2 và cài ứng dụng VneID cho hơn 600 cán bộ chiến sĩ, nhân viên, người lao động; triển khai 250 chữ ký số cho nhân viên y tế để hướng tới ứng dụng bệnh án điện tử. Liên thông dữ liệu Đề án 06 theo Công văn số 1165/BYT-KCB của Bộ Y tế về việc liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử lên Cổng giám định BHYT. Theo đó đã khám sức khỏe lái xe 600 hồ sơ, giấy chứng sinh 86 hồ sơ và cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia 60 hồ sơ… Nhờ những nỗ lực trên, Bệnh viện 199 là đơn vị đứng thứ 6 trên “Bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị thuộc cơ quan bộ năm 2023” với số điểm thẩm định là 800.00, đạt 88.89%, đứng thứ 6/52 đơn vị”, bác sĩ Hướng nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, năm 2023, 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến quận, huyện và tuyến thành phố đã trang bị đầu đọc thẻ theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip với 1.221.225 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD, trong đó 1.084.454 lượt (đạt 88,8%) thành công phục vụ tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT; 100% cơ sở y tế tuyến quận, huyện và thành phố đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (POS, chuyển khoản, quét mã QR ), tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 45%.

Sở Y tế triển khai việc đăng ký định mức 2 cho toàn bộ công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Sở Y tế (có 6.861 người đã kích hoạt tài khoản/7.441 người, 92,47%). Về liên thông giấy khám sức khỏe, giấy chứng sinh, giấy báo tử: 25/25 (100%) cơ sở thực hiện cấp giấy khám sức khỏe lái xe ký số lên Cổng tiếp nhận BHYT với 29.899 hồ sơ, 18/98 cơ sở cấp Giấy chứng sinh ký số với tổng 13.952 hồ sơ, có 11/98 cơ sở cấp giấy báo tử với tổng cộng 178 hồ sơ; các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đã triển khai khai báo lưu trú qua ứng dụng VNeID.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, năm 2024, ngành y tế thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo đó, sớm triển khai đề án Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng sau khi được phê duyệt; triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch UBND thành phố giao, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06, triển khai chữ ký số điện tử cho bác sĩ cho các đơn vị có giường bệnh trực thuộc Sở Y tế, hoàn thiện kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe công dân.

NGUYỄN  QUANG

 

.