Công nghệ

Phát huy, khai thác hiệu quả dữ liệu số

07:03, 03/04/2024 (GMT+7)

Một trong những mục tiêu chuyển đổi số của thành phố trong năm 2024 là tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu số. Thành phố hướng tới chia sẻ thông tin nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, cũng như bảo mật và toàn vẹn dữ liệu.

Khai thác hiệu quả dữ liệu góp phần quan trọng trong cải cách hành chính. Trong ảnh: Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” của Trung tâm Hành chính quận Hải Châu. Ảnh: M.Q
Khai thác hiệu quả dữ liệu góp phần quan trọng trong cải cách hành chính. TRONG ẢNH: Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” của Trung tâm Hành chính quận Hải Châu. Ảnh: M.Q

Nhiều kết quả khơi thông nguồn dữ liệu

Triển khai chủ đề chuyển đổi số thành phố năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, từ ngày 1-1-2023, thành phố thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn đối với các tổ chức hành nghề công chứng tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch; phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Tổng số phí đã thu được trong năm 2023 từ các dịch vụ khai thác, tra cứu dữ liệu số là hơn 400 triệu đồng. Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.

Đến nay, thành phố có 55 cơ quan ban hành kế hoạch triển khai danh mục dữ liệu mở của các cơ quan, đơn vị, gồm: 15/25 sở, ban, ngành; 7 UBND quận, huyện; 33/56 UBND các phường, xã. Về công khai dữ liệu trên Cổng dữ liệu thành phố Đà Nẵng đã có 73 cơ quan, đơn vị công khai gồm: 12 sở, ban, ngành, 6 UBND các quận, huyện và 52 UBND các phường, xã và 3 cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố. Danh mục dữ liệu mở của thành phố đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022); tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia.

Từ năm 2021, Đà Nẵng đã xây dựng, triển khai Nền tảng phân tích dữ liệu thông minh. Nền tảng đóng vai trò như một kho lưu trữ dữ liệu tập trung để lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, bao gồm cả dữ liệu phi cấu trúc và dữ liệu có cấu trúc từ nhiều nguồn. Các dữ liệu được thu thập về nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu của thành phố để xử lý; từ đó đề xuất, hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo, điều hành, quản lý đô thị của các cơ quan thành phố như: theo dõi công việc lãnh đạo thành phố giao; báo cáo điện tử và điều hành; giám sát cung cấp dịch vụ công; giám sát giao thông, phát hiện và xử phạt nguội vi phạm giao thông; giám sát bãi đỗ xe, đậu đỗ xe trái phép; quan trắc tự động chất lượng môi trường nước, không khí; theo dõi thông tin trên môi trường mạng; tình hình tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh của công dân...

Đến tháng 8-2023, Trung tâm giám sát, điều hành thành phố thông minh (Trung tâm IOC) ra đời đã kế thừa, thu thập, kết nối tập trung các dữ liệu số từ các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng. Từ đó phân tích dữ liệu, dự báo để cung cấp gần 150 dịch vụ thống kê, điều hành và gần 50 dịch vụ cảnh báo.

Khai thác hiệu quả dữ liệu số

Để có cơ sở quản lý, khai thác dữ liệu số, ngày 11-3-2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 471/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu số trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 6 nguyên tắc về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu: tài sản dữ liệu; quản trị và giám sát dữ liệu; toàn vẹn và ràng buộc dữ liệu; chất lượng; an toàn, bảo mật dữ liệu. Các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố được phân quyền truy cập, khai thác, sử dụng dữ liệu thuộc phạm vi quản lý trong Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm giám sát điều hành thông minh thành phố trong các hoạt động: tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tối ưu hóa các hoạt động quản trị nội bộ; giám sát, kiểm tra trực tuyến đối với đối tượng quản lý; phân tích, trực quan hóa dữ liệu phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo cơ quan Nhà nước.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông , 5 nhiệm vụ chính phát triển dữ liệu số trong năm 2024 là: triển khai 100% cơ quan, địa phương ban hành danh mục và đặc tả cơ sở dữ liệu quản lý Nhà nước; triển khai mỗi cơ quan, địa phương cung cấp thêm mới ít nhất 2 danh mục dữ liệu mở và bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước phát triển, cung cấp dữ liệu mở theo Danh mục dữ liệu mở thành phố; triển khai Kho dữ liệu số của người dân, tổ chức là một thành phần của hệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp thành phố để lưu trữ dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, cập nhật Danh mục dữ liệu mở thành phố năm 2024; triển khai dữ liệu mở để các doanh nghiệp, trường học nghiên cứu, sử dụng, tạo ra sản phẩm mới.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thông tin cho biết, thời gian tới, sở tăng cường phối hợp với các cơ quan Nhà nước thực hiện kết nối, tích hợp, thu nhận dữ liệu về Kho dữ liệu dùng chung; tổ chức quản lý, chuẩn hóa, lưu trữ dữ liệu; thiết lập các kho dữ liệu chuyên đề (datamart); triển khai kết nối, tích hợp Kho dữ liệu dùng chung thành phố với Trung tâm IOC để phục vụ giám sát, chỉ đạo, điều hành lãnh đạo thành phố và Cổng dữ liệu thành phố phục vụ cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.

MAI QUẾ

.