Công nghệ
Chống tin giả - Thách thức của thế giới trong kỷ nguyên số
Theo chuyên gia Shizuma Naka, Công ty nghiên cứu công nghệ Mizuho Research & Technologies, vấn đề cấp bách hiện nay là các tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin cần nhanh chóng củng cố hoạt động.
(Nguồn: neowin) |
Cộng đồng kiểm tra, xác minh thông tin toàn cầu đang đứng trước ngã ba đường khi số lượng tổ chức theo dõi và sửa thông tin sai lệch sụt giảm do khó khăn tài chính và sự phản đối ngày càng tăng từ một số chính phủ và chính trị gia.
Vào những năm 2000, có chưa đến 20 tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin trên toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin bắt đầu tăng vào năm 2016 - diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 đã đẩy nhanh xu hướng này hơn nữa khi nhu cầu xác minh thông tin trực tuyến tăng vọt.
Theo khảo sát của Đại học Duke ở Mỹ, số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin đã giảm từ mức đỉnh 457 vào năm 2022 xuống còn 439 vào đầu năm 2024. Số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin đã sụt giảm ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, trong khi vẫn không thay đổi ở các khu vực khác.
Số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin mới thành lập đã giảm từ 91 vào năm 2019 xuống chỉ còn 10 vào năm 2023, trong khi số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin ngừng hoạt động hàng năm vẫn ổn định ở mức từ 10-20. Do đó, số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin ngừng hoạt động lần đầu tiên đã vượt số lượng tổ chức mới thành lập vào năm ngoái.
Một lý do khiến số lượng tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin sụt giảm là khó khăn về tài chính. Một số tổ chức ở Canada và Hàn Quốc đã ngừng hoạt động do gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tuyển dụng nhân viên.
Một cuộc khảo sát của Mạng lưới Kiểm tra Thông tin Quốc tế (IFCN) tại Mỹ cho thấy 84% trong số hơn 130 thành viên của mạng lưới này xác định "nguồn tài trợ và tính bền vững về tài chính" là thách thức lớn nhất của họ.
(Ảnh minh họa) |
Theo Giáo sư Nobuyuki Okumura tại Đại học Musashi và là chuyên gia về báo chí, các tổ chức này đã ghi nhận tình hình tài chính xấu đi trong giai đoạn hậu COVID-19, một phần là do nhu cầu xác minh thông tin trực tuyến giảm.
Một yếu tố khác là sự phản đối ngày càng tăng từ các đối tượng là mục tiêu của những tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin. Tại Hàn Quốc, công cụ tìm kiếm hàng đầu của quốc gia này, Naver, đã rút hỗ trợ tài chính cho SNU FactCheck, một dự án của Viện nghiên cứu truyền thông thuộc Đại học quốc gia Seoul, vào năm ngoái - một hành động được cho là do áp lực chính trị.
Còn tại Mỹ, có những báo cáo cho thấy tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin ở Đại học Stanford có thể bị giải thể do sự chỉ trích ngày càng tăng từ các nhóm bảo thủ.
Trong báo cáo tháng Năm vừa qua, Đại học Duke đã nhấn mạnh "lời chỉ trích" từ các chính phủ và chính trị gia có quan điểm phản đối là một thách thức lớn đối với tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin. Sự phản đối này thường thể hiện dưới hình thức thư điện tử (email) với nội dung phản đối gay gắt, đe dọa bằng vũ lực và kiện tụng phỉ báng.
Bên cạnh đó, triển vọng tài chính của nhiều tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin vẫn khá mong manh, nhất là khi sự hỗ trợ từ các “ông lớn” công nghệ, trong đó có Meta, có xu hướng thiếu ổn định hơn.
Theo các chuyên gia trong ngành, những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu có thể buộc phải cắt giảm hỗ trợ tài chính cho các tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin vì những doanh nghiệp này cũng cần tập trung nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh trước sức ép ngày càng tăng từ các đối thủ.
Theo chuyên gia Shizuma Naka, Công ty nghiên cứu công nghệ Mizuho Research & Technologies, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đến làn sóng tin tức giả tinh vi hơn, khiến thông tin sai lệch dễ lan truyền hơn. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là các tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin cần nhanh chóng củng cố hoạt động, nâng cao năng lực để đảm bảo dòng thông tin đúng đắn, chính xác.
Theo vietnamplus.vn