Công nghệ

Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10: Đà Nẵng nỗ lực chuyển đổi số toàn diện

07:50, 10/10/2024 (GMT+7)

Chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng thời gian qua được các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế đánh giá và ghi nhận thông qua các giải thưởng quốc gia và quốc tế. Đây là những kết quả tích cực và động lực để thành phố nỗ lực chuyển đổi số toàn diện.

Thành phố đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số qua nhiều lĩnh vực, tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.  Trong ảnh: Người dân trải nghiệm kính VR do Công ty CP Note AR phát triển. Ảnh: C.T
Thành phố đẩy mạnh phát triển chuyển đổi số qua nhiều lĩnh vực, tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. TRONG ẢNH: Người dân trải nghiệm kính VR do Công ty CP Note AR phát triển. Ảnh: C.T

Nhiều mô hình, giải pháp chuyển đổi số

Ngày 5-10, Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh với 2 giải thưởng cho giải pháp Hệ thống giám sát điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng và nền tảng Giám sát hành trình số tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards-VDA) năm 2024.

Trước đó, Đà Nẵng được tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua các giải thưởng: ASOCIO Smart City 2019 của Tổ chức Công nghệ điện toán châu Á - châu Đại dương; Thành phố lấy con người làm trung tâm (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất diễn ra tháng 9-2023; 4 năm liên tiếp (2020-2023) được vinh danh là Thành phố thông minh Việt Nam của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam; 4 năm liên tiếp (2020-2023) là Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam; 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh; 3 năm liên tiếp (2022-2024) là địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tại lễ trao giải “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam- I4.0 Awards”…

Theo đánh giá của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, Đà Nẵng đạt được những kết quả trên nhờ áp dụng phương châm hành động 3 cần: Cần sự gương mẫu và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng. Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt toàn thành phố. Cần nội dung truyền thông bảo đảm yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi.

Thành phố sử dụng dữ liệu số để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay thế thành phần hồ sơ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Thành phố triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích để người dân, doanh nghiệp sử dụng và tương tác với chính quyền: nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City có 1,2 triệu lượt tải; nền tảng công dân số MyPortal có hơn 320.000 người dân có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên hệ thống chính quyền điện tử…

Tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng năm 2023 là 20,69% (chỉ tiêu năm 2025 là 20% ); có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước).

Đà Nẵng có nhiều mô hình, giải pháp về chuyển đổi số được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao. Trong ảnh: Hoạt động tại Trung tâm Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC).  Ảnh: M.Q
Đà Nẵng có nhiều mô hình, giải pháp về chuyển đổi số được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Trung tâm Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC). Ảnh: M.Q

Nỗ lực chuyển đổi số toàn diện

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ IRTECH đánh giá, các kết quả chuyển đổi số của Đà Nẵng nhờ cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, chính quyền địa phương tích cực ủng hộ sự phát triển của công nghệ, bao gồm việc phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến và khuyến khích đầu tư vào công nghệ.

Để Đà Nẵng đạt được thêm nhiều mục tiêu về chuyển đổi số, ông Hùng đề xuất thành phố khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước tham gia xây dựng các giải pháp chuyển đổi số, tạo ra môi trường hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực; đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu và các công nghệ tiên tiến để triển khai các giải pháp số; tổ chức các chương trình đào tạo thường xuyên cho các cơ quan Nhà nước về công nghệ thông tin, kỹ năng số; triển khai thí điểm các dự án về chuyển đổi số trong một số lĩnh vực cụ thể để đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Để góp phần cùng thành phố chuyển đổi số, ông Đặng Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, hy vọng thành phố tiếp tục thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện, khuyến khích đổi mới và hợp tác, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc và sinh sống tại thành phố, hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu và phát triển cũng như tiếp cận các nguồn tài trợ, các dự án và chương trình phát triển nhân tài.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết sở cùng các đơn vị liên quan đang triển khai các giải pháp để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu sớm đưa toàn bộ dịch vụ công của thành phố 100% lên toàn trình; tập trung hoàn thành các chỉ tiêu theo Kế hoạch số số 93/KH-UBND ngày 15-4-2024 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn năm 2024.

Các mục tiêu chuyển đổi số tiếp tục gắn với 3 trụ cột: kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Các trụ cột này được xây dựng bằng phát triển nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng kỹ thuật số và thể chế, chính sách; trong đó, sự phối hợp của người dân, doanh nghiệp cùng chính quyền là yếu tố vô cùng quan trọng để tăng tốc lộ trình chuyển đổi số.

100% phường, xã có tổ công nghệ số cộng đồng
Đến nay, 100% phường, xã có Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 với 2.531 tổ, gần 16.000 thành viên, trong đó đoàn thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số sống tại địa phương làm nòng cốt. Tính đến tháng 8-2024, thành phố hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến và bắt đầu sử dụng dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công theo hướng dịch vụ số. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố cao nhất cả nước với 95% (trung bình tỉnh, thành phố là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh, thành phố là 17%).

MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG

.