Kinh tế
Cần sớm bố trí vốn cho quốc lộ 14G nối Đà Nẵng - Quảng Nam
Là trục giao thông huyết mạch kết nối thành phố Đà Nẵng với các huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), nhưng một thời gian dài quốc lộ 14G vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo bài bản, gây rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông đi lại cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực.
Quốc lộ 14G đoạn qua Đà Nẵng, kết nối giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tuyến ĐT604 có lý trình từ huyện Hòa Vang đến điểm giao nhau với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định nâng cấp thành quốc lộ 14G từ tháng 5-2012. Đây là trục giao thông chiến lược từ đồng bằng lên địa bàn các huyện miền núi huyện Đông Giang và Tây Giang có cự ly ngắn nhất, song nhiều năm qua chưa được đầu tư nâng cấp.
Theo ghi nhận hiện tuyến quốc lộ 14G dài khoảng 66km từ Túy Loan (xã Hòa Phong, Hòa Vang), đến đường Hồ Chí Minh, huyện Đông Giang quy mô cấp IV, 2 làn xe. Trong đó, đoạn qua Đà Nẵng dài khoảng 25km, hiện trạng toàn tuyến đang xuống cấp, lưu thông không êm thuận, nhiều ổ trâu, ổ gà…nhất là các đoạn từ Khu du lịch Hòa Phú Thành (xã Hòa Phú - huyện Hòa Vang) đến hết dốc Kiền (huyện Đông Giang - tỉnh Quảng Nam)…
Nhiều năm qua, quốc lộ 14G vẫn chưa được nâng cấp, cải tạo mà chủ yếu là mặt đường láng nhựa, dặm vá. Hằng năm nền đường sụt lún, mặt cắt đường hẹp với chỉ 4,5-5,5m và thường xuyên bị hư hỏng, bong tróc, lề bị xói lở. Nhiều điểm ven tuyến, người dân bày bán hàng hóa, sửa chữa máy móc, thiết bị, rửa xe gây cản trở tầm nhìn, thu hẹp lối đi của người tham gia giao thông.
Cùng với đó, hệ thống cảnh báo, biển báo còn thiếu nên chưa bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông. Chính vì vậy, tại các buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội, cũng như các cuộc họp HĐND thành phố, người dân luôn kiến nghị sớm nâng cấp, mở rộng tuyến đường, nhất là dọc tuyến có nhiều khu du lịch đang hoạt động như Khu du lịch suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch Suối Hoa, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Khu du lịch Lái Thiêu... thu hút khá lớn lượng khách tham quan. Bên cạnh đó, hằng ngày người dân 2 huyện Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) về Đà Nẵng học tập, khám chữa bệnh, giao thương hàng hóa đều đi trên tuyến đường này.
Theo Sở GTVT, thành phố đã nhiều lần có ý kiến lên Bộ GTVT về sự cần thiết bố trí vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G, qua đó nhằm giải bài toán mất an toàn giao thông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội các khu vực kết nối tuyến. Về phía Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho rằng, với đặc điểm thời tiết mưa nhiều, địa hình tuyến đi qua là khu vực đồi núi và kết cấu mặt đường đã xây dựng quá lâu, tuyến đường phát sinh hư hỏng rất nhanh sau mỗi mùa mưa, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an toàn giao thông.
Ngoài việc kết nối hai huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam là huyện Đông Giang và huyện Tây Giang với khu vực đồng bằng, đây cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lùm với thành phố Đà Nẵng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao trên tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo đảm an toàn giao thông, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ GTVT quan tâm, bổ sung dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G vào đầu tư trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện.
Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ 14G. Theo Bộ GTVT, về đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 14G phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường, trong phạm vi nguồn lực cân đối được, Bộ GTVT đã ưu tiên đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác 4 cầu (Km32+480, Sông Vàng, Dốc Rùa 2 và Sông Kôn) bằng nguồn vốn vay JICA của Nhật Bản; đồng thời, đã nghiên cứu lập dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng và giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng về việc ưu tiên đầu tư tuyến quốc lộ 14G theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, “do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7-2021 tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược nên chưa thể cân đối nguồn lực để thực hiện thêm các dự án khác trong đó có quốc lộ 14G”.
Căn cứ nhu cầu đầu tư, Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện về nguồn lực. Được biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ, xử lý hư hỏng các công trình trên tuyến và sắp xếp thứ tự ưu tiên để tiến hành sửa chữa đoạn cần thiết và tăng cường hệ thống an toàn giao thông trên tuyến đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm an toàn giao thông.
PHƯƠNG UYÊN