Kinh tế
Không dễ vay ngân hàng trả nợ ngân hàng
Gần 1 tháng từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, qua ghi nhận, vẫn còn nhiều rào cản để doanh nghiệp, người dân tiếp cận rộng rãi chính sách.
Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Nam Đà Nẵng. Ảnh: M.Q |
Khi biết chính sách vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác có hiệu lực từ ngày 1-9, chị N.H.V (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) tìm hiểu quy định tại một số ngân hàng thương mại, tuy nhiên điều kiện lại không dễ để tiếp cận.
Chị V. đang vay tại một ngân hàng thương mại với lãi suất khoảng 13%/năm, dư nợ còn 800 triệu đồng. Hiện mỗi tháng chị phải trả lãi khoảng gần 11 triệu đồng/tháng. Để tiếp cận chính sách vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng hiện hữu, chị V. cần một tài sản khác ngoài tài sản thế chấp tại ngân hàng hiện hữu để bảo đảm khoản vay. Khi tìm hiểu ngân hàng khác còn có quy định phải mua bảo hiểm khoản vay.
Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) đang vay trung hạn tại một ngân hàng thương mại với thời gian 5 năm (2021-2026). Đến nay, dư nợ khoản vay còn khoảng 5 tỷ đồng với lãi suất áp dụng cho khoản vay trung hạn là 8,5%/năm với mục đích vay sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc công ty cho biết, khi nghe thông tin về cho vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác, công ty cũng tìm hiểu và được tư vấn lãi suất từ 7%/năm trong 12 tháng đầu. Hết thời gian ưu đãi, khoản vay sẽ được áp dụng lãi suất thả nổi khoảng 9%, tuy nhiên, ngân hàng yêu cầu có tài sản bảo đảm như một khoản vay mới nên công ty cũng không mấy “mặn mà” với đề xuất này.
Chính sách vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh như các khoản nợ vay mua nhà, mua ô-tô… được triển khai theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28-6-2023 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực từ ngày 1-9-2023. Sau gần 1 tháng thông tư có hiệu lực, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đang triển khai chính sách.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Phòng Giao dịch Hòa Thọ - Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam (MB Bank) chi nhánh Đà Nẵng cho hay, lãi suất vay vốn để tất toán dự nợ tại tổ chức tín dụng khác đang được MB Bank áp dụng ở mức 7,5%/năm tùy theo gói vay. Một đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, lãi suất chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác từ 6,9%/năm…
Sản xuất tại Công ty TNHH Keo dán vải nhám Bá Lộc (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q |
Dù đã triển khai nhưng qua tìm hiểu, mức độ tiếp cận của người dân và doanh nghiệp tới chính sách chưa nhiều. TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán - Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA Việt Nam phân tích, chính sách giúp người vay có thể lựa chọn ngân hàng nào có chính sách tốt hơn về lãi suất, dịch vụ và ưu đãi, bên cạnh đó, tạo ra áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng phải đưa những ưu đãi nhằm giữ chân khách hàng cũ cũng như thu hút thêm khách hàng mới.
Tuy nhiên, chính sách có nhiều vấn đề mà người vay phải cân nhắc: khoản vay nào cũng chỉ ưu đãi lãi suất ở 1-2 năm đầu nên cần so sánh chi phí lãi vay phải trả trong suốt thời gian của hợp đồng vay, đặc biệt vay mua nhà thường có thời gian vay dài, bên cạnh đó, khi tất toán trước hạn khoản vay hiện hữu thì người vay phải trả khoản phí phạt trả nợ trước hạn, các khoản phí phát sinh thêm như bảo hiểm, công chứng, thẩm định giá tài sản bảo đảm.
Về phía các ngân hàng cũng không áp dụng chính sách đối với các khoản vay có chất lượng tín dụng không tốt. Vì vậy, các khoản vay không trả nợ đúng hạn thì chắc chắn khó tiếp cận, hầu hết ngân hàng đều yêu cầu tài sản bảo đảm có khả năng thanh khoản (chuyển đổi tài sản thành tiền mặt cao) như bất động sản hoặc tiền gửi cùng một số quy định riêng của mỗi ngân hàng.
Như vậy, nếu một khách hàng đang vay với lãi suất 13%/năm, muốn vay ngân hàng khác với lãi suất 8-9% để tất toán trước hạn khoản vay hiện hữu có thể phải chịu thêm chi phí phạt trả nợ trước hạn 0,5-3%/năm, phí mua bảo hiểm…, chưa kể việc phải có tài sản bảo đảm thì cũng không khác gì vay khoản mới.
Ông Nguyễn Thanh Phước đề xuất: “Các ngân hàng thương mại cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn và sự triển khai đồng bộ để chính sách thực sự đi vào đời sống, giảm bớt áp lực kinh tế đối với khách hàng. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra quy định để 3 bên: ngân hàng đang vay - khách hàng - ngân hàng sắp vay cùng thỏa thuận, chấp nhận chuyển khoản nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng kia cùng những điều kiện cụ thể thì chính sách mới thực sự hiệu quả. Còn nếu cả 2 ngân hàng đều yêu cầu tài sản bảo đảm thì chưa mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp”.
MAI QUẾ