Kinh tế

Đà Nẵng triển khai quyết liệt, hiệu quả IUU

14:00, 12/10/2023 (GMT+7)

Trong hơn 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Công tác giám sát hoạt động của tàu cá trên biển và sản lượng, loài thủy sản tại cảng cá Thọ Quang trong thời gian qua luôn được quan tâm. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công tác giám sát hoạt động của tàu cá trên biển và sản lượng, loài thủy sản tại cảng cá Thọ Quang trong thời gian qua luôn được quan tâm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Ngày 23-10-2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam. Chưa đầy 1 tháng sau, vào ngày 18-11-2017, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 35/2017/QĐ-UBND về khung giá dịch vụ sử dụng cảng cá được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở để Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang bắt đầu quản lý thông tin từ khai báo của các chủ tàu cá về hoạt động khai thác hải sản của tàu cá và giúp đơn vị triển khai dễ dàng hơn trong công tác tuyên truyền, tránh vi phạm đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Cùng với đó, ngày 21-11-2017, Quốc hội ban hành Luật Thủy sản. Từ đây, công tác quản lý hoạt động nghề cá được triển khai quyết liệt, đồng bộ với cả nước nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của EC để nỗ lực gỡ “thẻ vàng”. Giữa năm 2019, HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên (tính từ thời điểm kết nối thiết bị phục vụ trong khai thác thủy sản, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản) cho tàu có tổng công suất máy chính từ 90cv trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá đang hoạt động sớm nhất cả nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động tàu cá đánh bắt trên biển tránh vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài...

Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, đã hoàn thành tổng kiểm tra, rà soát các tàu cá Đà Nẵng có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên (đã đăng ký) với 1.216 chiếc, trong đó có 595 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (hoạt động ở vùng khơi). Bên cạnh đó, có 207 chiếc chưa đăng ký, phần lớn có chiều dài từ 6m đến dưới 12m. Thành phố đã rà soát lập danh sách tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản và làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để hướng dẫn thực hiện các thủ tục (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) hoặc làm thủ tục xóa đăng ký tàu cá (đối với tàu cá bị hủy, phá dỡ, chìm đắm không thể trục vớt, tàu cá đã bán,...) theo quy định; đồng thời, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá đã đăng ký của thành phố vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Hiện Đà Nẵng có 577/595 tàu cá với chiều lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (các tàu còn lại tạm ngừng hoạt động do thiếu lao động và hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, tàu chưa xóa đăng ký do đã phá dỡ, chìm, tàu mới mua về đang làm các thủ tục). Thành phố đã phân quyền cho các đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát 100% tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá. Các địa phương, sở, ban, ngành thường xuyên phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố theo dõi, tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn, ngăn chặn tàu cá Đà Nẵng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài nên đến nay, chưa có tàu cá của Đà Nẵng bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, sản lượng

Theo Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc phân ca, bố trí người trực tiếp nhận, theo dõi, cập nhật thông tin tàu cá cập cảng, rời cảng, bảo đảm 100% tàu cá khi cập cảng, rời cảng được cập nhật vào sổ theo dõi theo đúng quy định và kịp thời thông báo cho văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá biết, theo dõi, phối hợp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, đã tổ chức thực hiện giám sát sản lượng 100% đối với tàu cá cập cảng bốc dỡ thuỷ sản cũng như thực hiện tốt công tác quản lý dể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 9.346 lượt tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản với tổng sản lượng 39.860 tấn thủy sản...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Phan Văn Mỹ, để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 4, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 9-10-2023 để các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ các thông tin, số liệu, hồ sơ, giấy tờ theo nội dung, chương trình làm việc của đoàn. Qua đó, tiếp tục kiểm soát, giám sát sản lượng thủy sản cập bến; theo dõi tàu cá ra, vào cảng; thực hiện tốt việc kiểm tra, xác nhận tại cảng về nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng, hồ sơ kiểm soát sản lượng qua cảng, nhật ký khai thác, kiểm soát IUU tại cảng cá; kiểm tra thực hiện các quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, công tác theo dõi, giám sát tàu cá Đà Nẵng hoạt động trên biển...

Về các giải pháp tiếp tục thực hiện IUU trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU; phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản; hướng dẫn các chủ tàu cải hoán tàu cá để phù hợp với vùng hoạt động khai thác, thực hiện thủ tục theo quy định...

HOÀNG HIỆP

.