Kinh tế
Chuyển đổi số để phát triển du lịch
Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng có sự phát triển nhanh chóng. Do đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu để thích ứng với thực tế. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã và đang từng bước số hóa để thúc đẩy, quảng bá các sản phẩm du lịch tới đông đảo du khách.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch hỗ trợ rất nhiều cho du khách trong chuyến đi. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ |
Số hóa sản phẩm làng nghề
Tại khu vực thang máy của Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, chị Nguyễn Thanh Hương, một du khách đến từ Hà Nội đang sử dụng điện thoại thông minh để quét chip ở một góc các bức tượng được điêu khắc bằng đá. Sau khi quét, chị biết được thông tin các bức tượng này là các tác phẩm đạt giải của hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước lần thứ I năm 2023 và trưng bày tại đây để du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm. Chị Hương chia sẻ, việc gắn chip cho các sản phẩm như thế này rất tiện lợi cho du khách, nhất là những du khách đi gia đình, đi lẻ, không có hướng dẫn viên giới thiệu.
Ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng Ban quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non nước cho biết, các tác phẩm đạt giải của làng nghề được gắn chip công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối). Tại các sản phẩm này, khi du khách dùng thiết bị thông minh quét chip sẽ thấy được video, hình ảnh của sản phẩm trên không gian số. Du khách có thể biết được về nguồn gốc lịch sử làng nghề, quá trình hình thành sản phẩm, những câu chuyện gắn với sản phẩm, chất lượng và sự minh bạch của sản phẩm.
Với công nghệ blockchain này, chỉ cần có mạng internet các thông tin về sản phẩm được lưu trữ, bảo tồn và lan tỏa khắp thế giới. Đây cũng là một trong những cách làm hay để quảng bá với du khách gần xa về sản phẩm độc đáo của làng nghề. Được biết, hiện nay tại làng nghề đá Non Nước, ngoài các sản phẩm đạt giải đã được gắn chip công nghệ, trong tương lai gần những sản phẩm từ làng nghề đá có giá trị kinh tế lớn cũng được các nghệ nhân hưởng ứng gắn chip.
Khi đó dù sản phẩm ở đâu, chỉ cần một thiết bị thông minh du khách có thể biết được xuất xứ của sản phẩm, người chế tác ra sản phẩm cũng như cách thức liên hệ… Theo ông Tâm Anh, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của làng nghề, sẽ lan tỏa được những câu chuyện văn hóa mang đậm nét đặc trưng của làng nghề và số hóa các sản phẩm tiếp cận với du khách toàn cầu, tăng giá trị của sản phẩm cũng như sức hấp dẫn của làng nghề.
Không chỉ tại làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước mà trước đó, tại một số bảo tàng các hiện vật cũng đã được số hóa để tạo thuận lợi cho du khách tham quan thông qua chip hay chỉ một cú nhấp chuột vào địa chỉ: bandodisandanang.vn du khách sẽ thấy bản đồ số do Bảo tàng Đà Nẵng thiết lập. Với bản đồ số này du khách có thể tham quan Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn hoặc các đình làng trên địa bàn thành phố.
Tận dụng lợi thế công nghệ để xây dựng nguồn khách bền vững
Hiện nay, việc chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp, những người làm du lịch nỗ lực hướng tới để tiếp cận được với đa dạng các khách hàng. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort Đà Nẵng), trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến động như hiện nay thì việc chuyển đổi số là cần thiết, các đơn vị kinh doanh lưu trú trên địa bàn phải xây dựng được các kênh marketing hiệu quả, chủ động có được các nguồn khách trực tiếp và bền vững.
Ông Quỳnh phân tích, hiện nay sự cạnh tranh giữa các điểm đến lớn, một số thị trường khách truyền thống của Đà Nẵng đang dịch chuyển sang các điểm đến khác, cũng như có mối quan tâm tới các thị trường mới nổi, trong khi đó các cơ sở lưu trú lại lệ thuộc nhiều vào các công ty du lịch trực tuyến (OTA). Vì thế, đã đến lúc các doanh nghiệp lưu trú phải xây dựng các kênh bán hàng hiệu quả để chủ động có được nguồn khách bền vững. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho khách hàng tìm hiểu sản phẩm, các doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng hệ thống trả lời tự động Chatbot tích hợp ChatGPT để hỗ trợ khách hàng trong quá trình đặt phòng; lưu trữ thông tin về khách hàng…
Khi được gắn chip blockchain hoặc mã QR, du khách chủ động tiếp cận các thông tin sản phẩm. TRONG ẢNH: Du khách quét mã gắn ở các tác phẩm trưng bày tại Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: THU HÀ |
Thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng rất nỗ lực để triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Trong giai đoạn 2023-2024, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng (Sở Du lịch) và Công ty TNHH Outbox (Outbox) hợp tác trong tiến trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu thị trường để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và quản lý điều hành điểm đến Đà Nẵng.
Trong giai đoạn này, phía Outbox cập nhật dữ liệu thị trường thường xuyên và kịp thời cho Đà Nẵng thông qua các hệ thống theo dõi khách hàng của Outbox. Hợp tác triển khai xây dựng thí điểm hệ thống chỉ số mức độ hấp dẫn điểm đến Index of Danang Destination Attractiveness (IDDA); tiếp đó Outbox đồng hành triển khai thí điểm hệ thống theo dõi chỉ số hấp dẫn điểm đến của Đà Nẵng nhằm hướng tới việc nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh và sức hút của du khách đến với thành phố; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực nghiên cứu thị trường và ứng dụng dữ liệu du khách cho đội ngũ nhân lực du lịch của Đà Nẵng…
Theo Sở Du lịch, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành thời gian qua được đẩy mạnh thông qua việc triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước và hoạt động kinh doanh du lịch, các giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (100% thủ tục hành chính đạt toàn trình, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 100%; số hóa hơn 4.000 kết quả thủ tục hành chính, đạt 100%)…
Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, bản đồ số ẩm thực tích hợp vào bản đồ du lịch Đà Nẵng; đề xuất chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và ứng dụng Danang Fantasticity theo hướng đồng bộ, tất cả dịch vụ du lịch trong một ứng dụng; tiếp tục triển khai công nghệ thực tế ảo VR360 giai đoạn 3 và phát triển tính năng VRmall; xây dựng Cổng tư vấn không gian đa chiều 1:1 Metaverse Space. Tính đến tháng 9-2023, tổng lượt truy cập thực tế ảo VR360 tại địa chỉ https://vr360.danangfantasticity.com/ là 748.000 người… Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi số thông qua các lớp phổ biến tập huấn kiến thức và tư vấn chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, cập nhật xu hướng du lịch toàn cầu…
THU HÀ