Kinh tế

Quy hoạch các khu chức năng của Đà Nẵng

07:39, 08/11/2023 (GMT+7)

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023, nhiều phân khu chức năng, khu công nghiệp, công nghệ cao, khu du lịch... sẽ hình thành theo định hướng phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khu vực.

Một góc Khu Công nghệ cao của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN
Một góc Khu Công nghệ cao của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao

Theo quy hoạch, về phương án quy hoạch các khu chức năng sẽ tập trung vào các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và các cụm công nghiệp, gồm: các KCN tập trung chuyển đổi KCN Đà Nẵng thành khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình KCN sinh thái.

Cùng với đó, hình thành mới các KCN: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh; đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu; ưu tiên đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và KCN Hòa Ninh để đáp ứng nhu cầu hạ tầng công nghiệp. Bên cạnh đó, nghiên cứu quy hoạch bổ sung KCN Hòa Vang để bố trí di dời các dự án công nghiệp tại KCN Liên Chiểu trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics phục vụ cảng Liên Chiểu.

Về Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, sớm đưa các khu chức năng của Khu Công nghệ cao vào hoạt động trước năm 2025; điều chỉnh, mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bảo đảm các điều kiện theo quy định, trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.

Mặt khác, kết nối Khu Công nghệ cao và các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với Khu Công nghệ cao. Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); hoàn thiện Khu Công nghệ thông tin tập trung, Dự án Không gian đổi mới sáng tạo tại phường Hòa Xuân, Khu Công nghệ thông tin DanangBay, Tòa nhà Viettel Đà Nẵng, Trung tâm chia chọn tự động và kho bãi.

Riêng về quy hoạch các cụm công nghiệp, làng nghề hiện hữu sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất Cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng sang phát triển các lĩnh vực khác; di dời hoạt động sản xuất thô tại Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn vào khu, cụm công nghiệp phù hợp; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn...

Đối với các cụm công nghiệp thành lập mới, sẽ triển khai đầu tư xây dựng và sớm đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam. Đưa KCN hỗ trợ Khu Công nghệ cao (Khu phụ trợ phục vụ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) ra khỏi quy hoạch các KCN cả nước để hình thành Cụm công nghiệp Hòa Liên (gần Khu Công nghệ cao). Nghiên cứu hình thành Cụm công nghiệp Sơn Trà; bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp mới trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, bố trí di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư.

Đồng thời, nghiên cứu hình thành một số cụm công nghiệp có diện tích phù hợp tại các mỏ khoáng sản sau khi đóng cửa trên địa bàn thành phố, bảo đảm điều kiện về địa chất, địa hình, hạ tầng và bảo vệ môi trường.

Hoạt động sản xuất ở Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN
Hoạt động sản xuất ở Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN

Nâng tầm du lịch, nghiên cứu, đào tạo

Quy hoạch thành phố có đề cập mục tiêu quy hoạch phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với đặc thù từng không gian du lịch, trong đó, định hướng phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (gồm loại hình tàu thủy lưu trú du lịch), thiết kế sáng tạo, độc đáo, khác biệt, thân thiện môi trường. Cụ thể, phát triển Khu du lịch Sơn Trà và nam bán đảo Sơn Trà, Khu đô thị du lịch Bà Nà - Suối Mơ (khu vực chân núi Bà Nà) thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế; các điểm du lịch văn hóa - lịch sử; khu, điểm tham quan, du lịch vui chơi giải trí hiện đại và đặc sắc; khu, điểm du lịch sáng tạo.

Đồng thời, quy hoạch hạ tầng phục vụ tuyến tham quan, du lịch biển trên tuyến hàng hải quốc tế gắn với điểm du lịch biển đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện hạ tầng để đưa các khu vực trung tâm thành phố thành điểm đến hấp dẫn du khách; phát triển du lịch thủy nội địa, đầu tư các bến thủy nội địa, công viên công cộng dọc ven sông và tàu thuyền khai thác du lịch mặt nước dọc sông Hàn và sông Cổ Cò. Quy hoạch sẽ tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các khu vực vùng núi huyện Hòa Vang, khu vực suối Lương, quận Liên Chiểu.

Đối với các khu nghiên cứu, đào tạo,  mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía nam Đà Nẵng tạo thành Khu Đô thị đại học mới tại quận Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) trở thành một trong 3 trung tâm đào tạo đại học trọng điểm quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Song song đó, hình thành các cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành cho Phân khu công nghệ cao Đà Nẵng để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động chuyên dụng phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, du lịch, cảng biển, logistics, dịch vụ chất lượng cao như công nghệ vi điện tử, công nghệ nano, bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng.

THÀNH LÂN

.