Kinh tế

Tìm giải pháp hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và tiểu thương

07:11, 01/11/2023 (GMT+7)

Quyết định tăng thêm giá thuê mặt bằng của doanh nghiệp đầu tư, quản lý chợ Siêu thị Đà Nẵng khiến nhiều tiểu thương bức xúc. Dù đã trao đổi nhiều lần, đơn vị quản lý vẫn kiên quyết tăng giá, chủ động cân đối tăng thu để bảo đảm các hoạt động của doanh nghiệp. Để hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và tiểu thương tại chợ,  cần có giải pháp phù hợp.

Lượng khách tại chợ Siêu thị Đà Nẵng vắng vẻ, thưa thớt khiến hoạt động kinh doanh của tiểu thương gặp khó khăn. Trong ảnh: Các quầy hàng rau, củ, quả tại chợ Siêu thị Đà Nẵng. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Lượng khách tại chợ Siêu thị Đà Nẵng vắng vẻ, thưa thớt khiến hoạt động kinh doanh của tiểu thương gặp khó khăn. TRONG ẢNH: Các quầy hàng rau, củ, quả tại chợ Siêu thị Đà Nẵng. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Giá thuê tăng cao trong khi chợ vắng khách

Tại chợ Siêu thị Đà Nẵng (phường Chính Gián, quận Thanh Khê), khoảng 500 tiểu thương đang kinh doanh đã thực hiện mức giá thuê mặt bằng cao hơn các chợ truyền thống. Tuy vậy, từ năm 2020 đến nay, đơn vị quản lý chợ liên tục tăng giá, trong khi lượng khách đến mua sắm ít, khiến nhiều tiểu thương phải bỏ ki-ốt, tạm ngưng buôn bán để tránh lỗ.

Bà Trương Thị Thùy Dương (quầy hàng giày dép) đã kinh doanh tại chợ từ năm 2011, mỗi tháng, bà phải trả hơn 2,1 triệu đồng cho các chi phí mặt bằng, điện nước, vệ sinh…. của 2 ki-ốt có tổng diện tích gần 20m. Lượng khách mỗi ngày tới xem, mua hàng lác đác, có ngày doanh thu chỉ dưới 100.000 đồng. Bà cùng nhiều tiểu thương khác phải cố gắng duy trì việc kinh doanh tại chợ để bảo đảm nguồn thu cho gia đình.

Bà Lê Thị Vân (quầy hàng rau, củ, quả) cũng cho hay, giá thuê mặt bằng của các tiểu thương mặt hàng lương thực, thực phẩm tại tầng 1 dao động từ 900.000 - 1,1 triệu đồng/tháng, doanh thu bán hàng thường dưới 1 triệu đồng/ngày, lợi nhuận chỉ khoảng 10% doanh thu. Trừ các chi phí mặt bằng, dịch vụ phải trả, xăng, xe nhập hàng thì hộ kinh doanh của bà không có lãi từ đầu năm tới nay. Dù nhiều lần mong muốn phía đơn vị quản lý tạo điều kiện giảm chi phí thuê mặt bằng nhưng không được chấp thuận.

Bà Võ Thị Kim Tuyền (quầy hàng may mặc) chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng đã thực hiện tăng giá 2 lần. Cụ thể, lần 1 vào năm 2020, phí thuê mặt bằng đối với các hộ kinh doanh tại tầng 1 (các mặt hàng quần áo, giày dép, vật dụng phụ trợ) tăng 30%; đối với các hộ kinh doanh tại tầng trệt (lương thực, thực phẩm, gia vị, phụ gia…) tăng đến 60%. Đến năm 2023, đơn vị thực hiện đợt điều chỉnh tiếp theo, giá mặt bằng cho thuê tăng thêm 40% so với thời điểm trước.

Đặc biệt, từ tháng 6 đến hết tháng 9-2023, đơn vị quản lý thực hiện việc truy thu phần tiền giá thuê mặt bằng tăng thêm thời điểm từ 2020-2023, nếu tiểu thương không nộp sẽ tiến hành cắt các dịch vụ phụ trợ như điện, nước. Đại diện các tiểu thương nhiều lần trao đổi với đơn vị quản lý nhưng không nhận được thông tin phản hồi thỏa đáng từ phía đại diện công ty. Trước bức xúc trên, tập thể tiểu thương tại chợ đã kiến nghị lên các cấp thẩm quyền để có biện pháp can thiệp, đề nghị Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng không tăng giá, không truy thu phần tiền thuê mặt bằng.

Cần giải pháp phù hợp

Các tiểu thương tại chợ đang thuê mặt bằng kinh doanh với mức giá được phê duyệt là 360.000 đồng/m2/tháng, trong khi mức giá thuê mặt bằng kinh doanh tại các chợ truyền thống do Nhà nước đầu tư là 180.000 đồng/m2/tháng. Đơn vị quản lý (Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng) đã đề xuất thành phố phê duyệt mức giá cho thuê mới là 681.000 đồng/m2/tháng, Sở Tài chính đã thẩm định ở mức 393.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng cho rằng, mức giá được thẩm định không bảo đảm các điều kiện hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh sẽ chịu lỗ, khả năng phải đóng cửa chợ.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó ban quản lý chợ Siêu thị Đà Nẵng, cho biết ban quản lý đã trao đổi, giải đáp cho tiểu thương về tình hình khó khăn của đơn vị quản lý thời điểm hiện tại, mong người dân có thể thông cảm, chấp nhận việc tăng giá thuê mặt bằng. Đơn vị đã thực hiện cắt giảm tối đa nhân sự, dừng hoạt động các thiết bị không cần thiết như thang cuốn để hạn chế tăng các khoản phí cho tiểu thương. Trước mức tăng thêm 40% từ tháng 6-2023, đơn vị cũng đồng hành với tiểu thương để xin hướng giải pháp từ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ phí thuê mặt bằng và đang chờ phản hồi.

Theo Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng, từ năm 2015-2019, thành phố đã hỗ trợ tiền thuê đất hơn 1,158 tỷ đồng/năm, phía đơn vị đóng gần 583 triệu đồng/năm (đơn giá gần 222.000 đồng/m2/năm). Tuy nhiên, kể từ năm 2020, tiền thuê đất được tính lại theo đơn giá mới gần 1,035 triệu đồng/m2/năm, tăng khoảng 4,7 lần; buộc đơn vị phải tăng giá thuê mặt bằng tại các ki-ốt để duy trì vận hành, tránh lỗ chồng lỗ; đồng thời đã có ý kiến giải trình, kiến nghị UBND thành phố xem xét tiếp tục hỗ trợ tiền thuê đất khi điều chỉnh qua mức đơn giá thuê đất mới trong thời gian 5 năm, giai đoạn 2020-2024 để công ty khắc phục khó khăn sau Covid-19 và ổn định kinh doanh, góp phần cùng thành phố thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân.

Ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng, thông tin đã có ít nhất 8 lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của thành phố nhưng đều không nhận được hồi âm. Công ty buộc phải chủ động cân đối tăng thu để chi trả tiền thuê đất tăng cao, chi phí quản lý doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội người lao động, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, chi phí lãi vay…

Theo đó, công ty mong Sở Công Thương và các sở, ban, ngành thành phố quan tâm, đề xuất giải pháp hỗ trợ, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong trường hợp bất khả kháng, đơn vị đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất từ “đất chợ” sang “đất thương mại dịch vụ” để chủ động kinh doanh nhằm bù đắp các khoản chi phí tăng cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Được biết, trước các kiến nghị của tiểu thương và đơn vị quản lý chợ Siêu thị Đà Nẵng, Sở Công Thương đã tham mưu, đề xuất các kiến nghị với UBND thành phố, qua đó yêu cầu phía công ty thực hiện theo kết luận tại biên bản làm việc vào ngày 20-4-2023. Hiện thành phố đã mời đơn vị để làm việc, trao đổi, thỏa thuận và tìm phương án thống nhất, chia sẻ, bảo đảm các lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

VIỆT ÂN - CHIẾN THẮNG

.