Kinh tế
Phiên chất vấn, trả lời chất vấn đổi mới; xử lý dự án khu đô thị 'quây' vịnh Hạ Long
Trong tuần từ ngày 6 - 12-11-2023, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã đề cập trúng, đúng các vấn đề đời sống xã hội, làm hài lòng cử tri, thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh đó là các thông tin như: Quốc hội chính thức thông qua việc cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024, giá điện bán lẻ tăng thêm 4,5%, chuyến bay chậm khởi hành vì hành khách tung tin có súng, dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ"...
Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Quốc hội đổi mới, thông qua chính sách tiền lương
Tuần qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội đã diễn ra với 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này có phạm vi chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, được sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra các giải pháp khắc phục bất cập, nguyên nhân với các vấn đề “nóng” như: Thẩm quyền phê duyệt và quyết toán vốn đầu tư công, nguyên nhân chậm cổ phần hóa doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ xã nghèo, thiếu vật tư y tế; lạm dụng xét nghiệm y tế gây bức xúc cho người bệnh, không “cào bằng” việc giảm biên chế 10% giáo viên tại các địa phương, Bộ Công an đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, vấn đề tiền lương…
Đặc biệt, tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh; tập trung phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội nêu: Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án, công trình trọng điểm; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…
Các đại biểu Quốc hội bày tỏ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này đã có nhiều đổi mới, làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, đã trả lời trực tiếp, minh bạch, rõ ràng các vấn đề đại biểu nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm, để từ đó có giải pháp khắc phục. Sự điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, khoa học, tạo điều kiện các Bộ trưởng, trưởng ngành trao đổi đến tận cùng các vấn đề bức thiết hiện nay.
Cũng trong tuần qua, với 94,33% đại biểu tán thành, Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7-2024 thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 với số thu ngân sách Nhà nước gần 1.701.000 tỷ đồng; thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Quốc hội quyết nghị từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước.
Giá điện bán lẻ tăng thêm 4,5%
Trong tuần qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9-11-2023. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng từ hơn 1.920 đồng/kWh lên hơn 2.006 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4 tháng 5 năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh, tính từ đầu năm đến nay.
Công nhân Công ty Truyền tải điện 1 kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo đại diện EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Về cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Đình Phước, Trưởng ban Tài chính Kế toán của EVN cho biết, căn cứ thực hiện là Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023 thông số đầu vào ảnh hưởng trực tiếp chi phí của EVN, gồm cơ cấu nguồn điện năm 2023 giảm mạnh, sản lượng thủy điện gần 17 tỷ kWh do hạn hán và Elnino nên sản lượng giảm. Cùng với đó, giá nhiên liệu đầu vào, tỷ giá ngoại tệ duy trì ở mức cao... ảnh hưởng trực tiếp chi phí mua điện và giá thành của EVN.
Theo tính toán của EVN, với khách hàng kinh doanh dịch vụ (547.000 khách hàng), sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 230.000 đồng/tháng. Với gần 2 triệu khách hàng sản xuất sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 432.000 đồng/tháng. Với khách hàng hành chính sự nghiệp có 681.000 khách hàng, sau khi thay đổi giá trung bình mỗi tháng sẽ trả thêm tiền điện là 90.000 đồng/tháng.
Chuyến bay chậm khởi hành vì hành khách tung tin có súng
Tin xã hội tuần qua cũng thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận là chuyến bay VN186 của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đi Hà Nội tối 7-11 bị dừng cất cánh chậm hai tiếng rưỡi vì hai nam hành khách tung tin mang súng lên máy bay.
Theo Cảng vụ Hàng không miền Trung, chuyến bay VN186 dự kiến khởi hành lúc 19 giờ 25 phút đã phải chuyển sang 22 giờ, toàn bộ hành khách, hành lý xách tay được lực lượng an ninh kiểm tra, nhưng không phát hiện súng, chất nổ hay vật phẩm nguy hiểm. Hai nam hành khách tung tin đồn có súng, là cán bộ công an tỉnh Thái Bình, đã bị Cảng vụ hàng không miền Trung lập biên bản xử lý. Theo Nghị định 162/2018, người tung tin tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có súng, đạn, bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh, hóa học trên chuyến bay có thể bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, tùy mức độ nguy hiểm và thiệt hại mà hành vi gây ra, hành khách có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường không.
Ngay sau vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo tổ công tác tiến hành xác minh, làm rõ thông tin cán bộ trực thuộc có phát ngôn nhạy cảm trên. Sau khi có kết quả xác minh cụ thể, Công an tỉnh Thái Bình mới có căn cứ để tiến hành các bước xử lý tiếp theo.
Xử lý thông tin Dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm “hòn non bộ” trước ngày 25-11-2023
Ngày 8-11, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 6769/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh Dự án khu đô thị tại khu 10B phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả , tỉnh Quảng Ninh quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ". Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh của bài báo nêu trên, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 25-11-2023.
Qua rà soát của các cơ quan chức năng, dự án Khu đô thị tại khu 10B đã tuân thủ đầy đủ quy trình, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Dự án được thực hiện bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Hiện trạng khu vực thực hiện dự án là bãi sình lầy nằm toàn bộ trong đường triều kiệt đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Phần dự án nằm trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long có diện tích khoảng 3,88 hecta (chiếm 12,19% tổng diện tích). Trong đó, khoảng 0,91 hecta thuộc lô đất nhà ở xã hội (có công trình nhà ở dạng chung cư 6 tầng); khoảng 0,75 hecta đất xây dựng công trình nhà ở liền kề 5 tầng; khoảng 2,22 ha là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Theo baotintuc.vn