Vào vụ sản xuất hoa Tết

.

Thời điểm này, tại các vùng trồng hoa trên địa bàn thành phố, nông dân đã hoàn thành việc xuống giống. Đây là vụ sản xuất chính, mang lại nguồn thu nhập cao nên nông dân đầu tư mở rộng quy mô, gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nông dân đang tập trung chăm bón, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hoa nở đúng dịp và chất lượng. Trong ảnh: Ông Lý Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang bổ sung đất cho chậu cây. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nông dân đang tập trung chăm bón, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hoa nở đúng dịp và chất lượng. TRONG ẢNH: Ông Lý Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang bổ sung đất cho chậu cây. Ảnh: VĂN HOÀNG

Gieo trồng nhiều loại hoa truyền thống

Trên diện tích khoảng 5.000m2 tại phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), anh Đỗ Bá Huy cùng các nhân công khác đang tất bật kiểm tra, chăm sóc các chậu hoa để kịp phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết sắp đến. Từ đầu tháng 8 Âm lịch, anh Huy đã xuống giống trồng hơn 2.500 chậu hoa cúc các loại như vàng đông, pha lê...

Để tránh ảnh hưởng xấu của thời tiết cuối năm, anh Huy đã xuống giống sớm hơn 20 ngày; đến nay, cây trong vườn đang phát triển ổn định với chiều cao 15-20cm. Hiện tại khu vực nói trên có khoảng 10 hộ trồng hoa Tết, bình quân mỗi hộ trồng khoảng 2.000-2.500 chậu. So với thời điểm năm ngoái, cây phát triển chậm hơn do ảnh hưởng các trận mưa lớn đầu vụ.  

Ghi nhận tại vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) không khí trồng trọt, sản xuất rất nhộn nhịp. Xác định là vụ hoa chính, quan trọng nhất trong năm nên nông dân rất tập trung chăm bón, vun vén từng chậu hoa, bảo đảm cây phát triển tốt, bung nở đẹp. Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn cho biết, toàn vùng có khoảng 4,5ha với 19 hộ trồng hoa. Với nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ… hoa cúc vẫn là loại hoa chủ lực, được nhiều hộ dân trong vùng lựa chọn trồng để bán vào vụ Tết.

Vụ hoa này, nông dân trong vùng dự kiến sẽ trồng khoảng 12.500 chậu cúc; bên cạnh đó, các loại hoa như vạn thọ, hồng, ly ly, đồng tiền, hoa treo… tiếp tục được nông dân bổ sung xuống giống. Ngoài ra, ông cùng một số hộ trong vùng đang thử nghiệm trồng thêm hoa mãn đình hồng. Theo ông Dạng, năm nay, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều nên việc chăm sóc cây cũng khó khăn, đòi hỏi nông dân phải kỳ công hơn. Đầu vụ, các trận mưa lớn kéo dài khiến một số diện tích hoa cúc pha lê mới xuống giống bị hư hỏng, người dân phải dặm lại, có hộ bị hư hại đến 80% diện tích hoa.

Các chi phí sản xuất như giá vật tư, giống, chậu... cũng tăng hơn 10% so với vụ hoa năm trước, đặc biệt, từ đầu vụ, giá phân bón đã tăng từ 30-40%. Nếu thời tiết có mưa liên tục thì chất lượng hoa sẽ giảm, ảnh hưởng đến giá thu mua cuối vụ. Vụ hoa này rất quan trọng nên nông dân rất chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và thường xuyên kiểm tra vườn để có biện pháp chăm sóc kịp thời, bảo đảm hoa nở đúng dịp và đạt chất lượng.

Tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), nông dân trên địa bàn xã đang trồng khoảng 6.200 chậu cúc các loại; trong đó có 0,7ha cây cúc đất; cùng hàng ngàn chậu hoa các loại như hoa hồng, vạn thọ, thược dược, hải đường, mồng gà; 0,5ha hoa lan Mokara công nghệ cao và 6.000 hoa chậu nhỏ. Tại vùng hoa Nhơn Thọ (thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước), khoảng 14 hộ dân đang sản xuất với tổng diện tích gần 4ha. Anh Nguyễn Tấn Lực, nông dân trong vùng cũng chia sẻ, năm ngoái, anh trồng hơn 3.000m2 hoa thạch thảo để phục vụ nhu cầu du xuân, chụp ảnh của người dân. Năm nay, anh sẽ trồng chủ yếu các loại ngắn ngày như vạn thọ, đồng tiền, hoa treo. Để tăng vụ, anh Lực cũng đang gấp rút cải tạo, dọn dẹp, vệ sinh vườn để xuống giống vào đầu tháng 12-2023.

Nhiều mô hình hoa công nghệ cao được nông dân triển khai trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Mô hình hoa treo công nghệ cao của anh Trần Dũng Quốc tại vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều mô hình hoa công nghệ cao được nông dân triển khai trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Mô hình hoa treo công nghệ cao của anh Trần Dũng Quốc tại vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Ảnh: VĂN HOÀNG

Tăng số lượng hoa công nghệ cao

Đầu tư trồng hoa lan công nghệ cao tưới tiêu tự động với tổng diện tích 4.000m2 tại vùng hoa Dương Sơn, vườn của anh Lê Thành Trung (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có trên 100.000 cây hoa lan; trong đó, 70.000 cây đang ra hoa, trên 30.000 cây giống và đang phát triển. Các giống hoa lan được trồng chủ yếu gồm: Mokara, Catlleya, Dendro, Nghinh Xuân, Vanda. Riêng hoa lan Mokara có khoảng 14/31 màu, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. Anh Trung cho biết, mỗi tháng, hoa lan Mokara phát triển 2-6 nhành hoa, giá bán mỗi nhành từ 7.000 đồng ngày thường và 10.000 đồng/nhành trong dịp Tết. Để bảo đảm cho cây phát triển, anh duy trì 2 nhành hoa/cây đối với các tháng trong năm và 3-4 nhành hoa/cây tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu trang trí trong mùa Tết.

Bên cạnh việc cung cấp hoa tươi quanh năm cho thị trường thành phố, vườn hoa của anh cung cấp giống chủ yếu cho các nhà vườn tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, miền Bắc… Sắp đến, vườn của anh Trung sẽ tăng số lượng từ 50.000 nhành lên 70.000 nhành/tháng để bảo đảm hoa cung ứng cho thị trường vào dịp Tết. Cách đó không xa, vườn hoa treo của anh Trần Dũng Quốc (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) là một trong những mô hình trồng hoa công nghệ cao tại vùng hoa Dương Sơn. Năm qua, anh đã mở rộng thêm diện tích sản xuất lên 4.000m2, bảo đảm lượng hoa cung cấp hoa quanh năm trên địa bàn thành phố.

Tương tự, với diện tích khoảng 1ha, vườn hoa treo công nghệ cao của anh Lê Ninh (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) hiện có khoảng 50.000 chậu hoa treo các loại và 70.000 chậu hoa trang trí cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Vườn của anh phải tăng thêm số lượng và nhân công thời vụ với khoảng 8 nhân công địa phương làm việc thường xuyên. Theo anh Ninh, so với các năm trước, việc tiêu thụ hoa treo, hoa chậu trang trí giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh và kinh tế.

Tuy vậy, thời điểm Tết, nhu cầu vẫn tăng hơn so với ngày thường, giá thành ổn định. Vườn của anh đang cung cấp sản phẩm hoa quanh năm cho các đơn vị, resort, dự án trên địa bàn thành phố và một số địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... “Chúng tôi mong muốn địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất hoa công nghệ cao. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho lao động địa phương và phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững tại địa phương và trên địa bàn thành phố”, anh Ninh chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp cho hay, đơn vị đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc hoa màu bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lớn. Đối với việc chăm sóc các cây hoa bị dập lá, tổn thương, để phòng ngừa và hạn chế một số bệnh phát sinh gây hại, nông dân cần vệ sinh, khơi thông thoát nước; cắt tỉa cành lá bị dập, bị bệnh và xử lý bệnh trước rồi bổ sung phân kích rễ, phân hữu cơ sạch; khi cây phục hồi mới tiếp tục bón phân vô cơ. Bên cạnh đó, nông dân cần nhanh chóng liên hệ cán bộ nông nghiệp địa phương hoặc Chi cục Nông nghiệp để kịp thời xử lý kỹ thuật canh tác, không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất.

VIỆT ÂN

;
;
.
.
.
.
.