Kinh tế

Chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội sắp được gỡ "nút thắt"

07:59, 19/12/2023 (GMT+7)

Với những quy định mới của Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội kỳ vọng được tháo gỡ những “nút thắt” để nhiều người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu những căn hộ chung cư đủ điều kiện sinh hoạt cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội kỳ vọng gỡ những “nút thắt” để người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu căn hộ chung cư.  Trong ảnh: Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội kỳ vọng gỡ những “nút thắt” để người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu căn hộ chung cư. TRONG ẢNH: Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Còn “khó” cho bên mua lẫn bên bán

Dù gặp áp lực không nhỏ về nguồn vốn đầu tư và thời tiết mưa nhiều trong mùa mưa bão, nhưng vào ngày 12-12 vừa qua, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án Khu chung cư Nhà ở xã hội ở khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), tiến hành cất nóc tòa nhà CT5 cao 21 tầng. Dự án nhà ở xã hội này có 10 tòa chung cư cao 21 tầng, được bố trí 3.358 căn hộ chất lượng cao, đa dạng diện tích từ 35,3-70m2 với tổng vốn đầu tư 2.395 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân Đà Nẵng, các hộ giải tỏa và người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Dự án này cũng là điểm sáng của thị trường bất động sản Đà Nẵng từ cuối năm 2022 đến nay với việc hoàn thành thi công 4 tòa nhà (gồm: CT1, CT2, CT3 và CT4) với tổng cộng 1.549 căn hộ và bàn giao cho những người mua.

Tính đến nay, tại 4 tòa nhà này đã có khoảng 3.000 người ở. Bên cạnh tòa nhà CT5, trong tháng cuối cùng của năm 2023, dự kiến có thêm 3 tòa nhà gồm: CT6, CT9, CT10 sẽ tiếp tục được cất nóc. Ông Nguyễn Tường Huy, đại diện Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, cho biết chủ đầu tư đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công các tòa nhà, nhanh nhất là cuối quý 3-2024 sẽ hoàn thành thi công để bàn giao cho người mua. Hiện nay, chủ đầu tư đang gặp một số áp lực, nhất là số lượng người đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án đã ít dần, tiến độ bán căn hộ cũng chậm. Nhưng chủ đầu tư đang cố gắng dồn nguồn lực để hoàn thiện dự án và bàn giao nhà ở xã hội trong năm 2024 cho người mua. Đại diện chủ đầu tư dự án cũng bày tỏ mong muốn thành phố sớm hạ bớt tiêu chí xét duyệt người mua để nhiều người thu nhập thấp đang bức xúc về chỗ ở được mua. 

Theo tìm hiểu, nhiều người thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở nhưng không có đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội vì không có hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú ít nhất 1 năm tại Đà Nẵng. Nhiều người có đủ điều kiện về cư trú thì thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên, nhưng với mức lương nộp thuế thu nhập cá nhân thì còn thấp. Trong khi đó, các chủ đầu tư nhà ở xã hội đã và đang gặp trở ngại không nhỏ về nguồn vốn đầu tư, lợi nhuận thấp, cơ chế ưu đãi khó thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội...

Các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó sắp được tháo gỡ các “nút thắt”. Trong ảnh: Dự án Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp ở khu dân cư An Trung 2 đang dở dang và tạm dừng thi công. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó sắp được tháo gỡ các “nút thắt”. TRONG ẢNH: Dự án Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp ở khu dân cư An Trung 2 đang dở dang và tạm dừng thi công. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội

Nhiều khó khăn, vướng mắc, “nút thắt” về nhà ở xã hội của cả người mua lẫn chủ đầu tư đã được tháo gỡ tại Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, Luật Nhà ở mới đã bãi bỏ điều kiện cư trú đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội không phải bằng vốn ngân sách Nhà nước được hưởng các ưu đãi, như: được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại…

Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về bất động sản, cho rằng: “Hiện nay, phân khúc nhà ở xã hội được kỳ vọng rất nhiều vì có nhiều cơ hội, dư địa để phát triển. Hơn nữa, Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua có quy định về mở rộng đối tượng hỗ trợ và được hỗ trợ nhà ở xã hội cũng như quy định về điều kiện về cư trú đối với người mua nhà ở xã hội. Sau này, khi xây dựng nghị định hướng dẫn thực thi Luật Nhà ở, Chính phủ sẽ quy định hoặc trao quyền cho các tỉnh, thành phố quy định về điều kiện thu nhập để người dân được mua nhà ở xã hội. Như vậy, hai điều kiện cơ bản về đối tượng được mua nhà ở xã hội sẽ được gỡ bỏ, nới lỏng, giúp kích thích nguồn cầu về nhà ở xã hội”.

Luật Nhà ở cũng bổ sung đối tượng được xây dựng nhà ở xã hội là các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, dưới dạng nhà lưu trú để công nhân ở. Với chính sách này, doanh nghiệp được tháo gỡ khó khăn, bảo đảm được nhân lực, giúp ổn định sản xuất, ổn định đời sống của công nhân và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cũng được quy định mới theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định vị trí xây dựng nhà ở xã hội ở nơi mà người dân có nhu cầu ở cao để hoàn thành chương trình phát triển nhà ở theo từng giai đoạn, thay vì nằm trong quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội của các dự án khu đô thị.

“Như vậy là rất hài hòa, linh hoạt cho địa phương và doanh nghiệp. Việc đầu tư nhà ở xã hội cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn, có cơ chế thu lãi tốt hơn. Sắp tới, khi phân khúc nhà ở xã hội phát triển thì các phân khúc bất động sản cũng sẽ phát triển theo, khơi dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh bày tỏ.

Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản (Đà Nẵng) Nguyễn Đức Lập cũng nhận định: “Với những quy định mới của Luật Nhà ở, sắp đến nguồn cung phân khúc bất động sản bình dân, đặc biệt là nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ do không còn ràng buộc điều kiện cư trú, thu nhập của người mua nhà ở xã hội. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được phép đầu tư nhà ở xã hội. Luật cũng mở rộng cho nhà đầu tư nước ngoài và ưu đãi hơn cho các chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Luật cũng có quy định cụ thể hơn để thúc đẩy phát triển nhà ở cho quân nhân và bổ sung sinh viên, học sinh trường dân tộc nội trú, người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội”.

HOÀNG HIỆP

.